Theo dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay được dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD.
Số liệu được FiinGroup trích nguồn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, đây là mức khá an toàn, tương đương khoảng 17 - 18 tuần nhập khẩu. Điều này góp phần giúp Việt Nam có thêm dư địa ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát thời gian tới được dự báo không phải rủi ro lớn với nền kinh tế.
Trước đó, trích nguồn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), FiinGroup cho rằng cán cân thanh toán sẽ thặng dư mức cao trong năm nay.
Dự báo năm 2024, về tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại cải thiện nhờ xuất khẩu dự kiến tăng 10,4%, trong khi nhập khẩu tăng 7,8%.
Tuy nhiên, cán cân thu nhập vẫn dự kiến thâm hụt cao do các khoản thanh toán/ rút lợi nhuận của khối FDI về nước trong bối cảnh lãi suất cao và một số nước áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập khi các doanh nghiệp của họ chuyển lợi nhuận về nước và chuyển giao vãng lai/ cán cân thu nhập sơ cấp luôn thặng dư do sự ổn định của dòng kiều hối về Việt Nam.
Về tài khoản vốn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo giải ngân FDI sẽ tăng trưởng trong khoảng 5,1% năm 2024, trong khi đó dòng vốn gián tiếp/ chứng khoán vẫn duy trì dương nhưng ở mức thấp do lãi suất USD chưa hạ nhiệt. Vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ hạn chế do môi trường lãi suất quốc tế cao và mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Về cán cân tổng thể, dự báo của IMF cho biết năm 2023, cán cân tổng thể sẽ thặng dư 12 tỷ USD, năm 2024 thặng dư 11,7 tỷ USD.
WiGroup cũng dự báo cán cân tổng thể sẽ thặng dư khá trong quý II và quý III, cả năm 2023 thặng dư từ nhẹ đến mức trung bình. Việt Nam có nguồn kiều hối mỗi năm khoảng 14 tỷ USD, trong khi đó cán cân thương mại 8 tháng đầu năm thặng dư hơn 20 tỷ USD. Vì thế tỷ giá sẽ không thể biến động mạnh mà sẽ sớm đi vào trạng thái ổn định.