Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 63.000 tỷ đồng, nên nguồn chi để giải quyết cho viên chức khi sắp xếp bộ máy "chắc chắn yên tâm".
Khoảng 100.000 công chức, viên chức bị ảnh hưởng
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 41, chiều 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại thời điểm Chính phủ trình dự án luật, chưa thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Do vậy, dự thảo luật chưa dự liệu được tác động của việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bao gồm, chính sách cho người không có việc làm do sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tác động đến cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi giảm đối tượng tham gia và tăng đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc và giao Chính phủ quy định để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp như khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, tại hội nghị tổng kết ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng trong đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bà Thanh cho rằng, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tác động trực tiếp đến tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như việc cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. "Những nội dung trên, cần được các cơ quan thảo luận, làm rõ".
Giải quyết chắc chắn yên tâm
Về nội dung này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Hùng Sơn phân tích, theo Nghị định 178 về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy, viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp mà chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì sẽ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề.
Theo ông Sơn, khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng khi sắp xếp bộ máy có cả công chức và viên chức. Tuy nhiên, việc tham gia, thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chỉ có viên chức.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thông tin thêm, hiện nay kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 63.000 tỷ đồng nên nguồn chi để giải quyết "chắc chắn yên tâm".
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, Điều 46, dự thảo luật quy định bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, nếu đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, nếu đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, bao gồm thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại luật này. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được Cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Việc làm sửa đổi tại kỳ họp 9-tháng 5/2025.