Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) trình Quốc hội cho ý kiến ngày 9/6 đã sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là những quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án trong việc THADS.
Tháo gỡ nhiều điểm nút quan trọng
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Luật THADS hiện hành chưa xác định hoạt động THADS là hoạt động tố tụng, là khâu cuối cùng thực hiện kết quả hoạt động của quyền tư pháp, do đó, có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án. Một số quy định về quyền, trách nhiệm của các bên trong thi hành án còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là việc Luật quy định, người được thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, gây khó khăn cho người được thi hành án, nhất là việc xác minh tại các cơ quan Nhà nước, các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc quy định trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh thì phải chịu chi phí, gây tốn kém cho người dân.
Chính vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 38/183 điều và bãi bỏ 4/183 điều so với Luật hiện hành. Trong đó, phần quyền và nghĩa vụ của đương sự trong THADS đã được sửa đổi rất lớn. Nghĩa vụ của người được THA phải xác minh điều kiện THA hiện nay sẽ được chuyển thành trách nhiệm của Chấp hành viên, nhằm giảm bớt khó khăn, đồng thời không phải chịu chi phí xác minh. Người được THA cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện THA của người phải THA và nếu cung cấp thông tin chính xác sẽ được miễn, giảm phí THA.
Cưỡng chế thi hành án dân sự
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của Tòa án trong THADS. Theo đó, Tòa án chủ động ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành đối với bốn trường hợp: (1) hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; (2) trả lại tiền, tài sản cho đương sự; (3) tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; (4) thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ Nhà nước. Còn đối với các trường hợp khác, Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự.
Thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi theo hướng: Tòa án phải ra quyết định THA đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (không phân biệt khoản nghĩa vụ đối với Nhà nước hay khoản thi hành cho công dân), không buộc người được THA phải có đơn yêu cầu THA. Điều này nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhất là bảo đảm thi hành quy định tại Điều 106 của Hiến pháp, đồng thời, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa quyền và lợi ích của Nhà nước và của công dân.
Trường hợp người được THA có đơn đề nghị không THA, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan THA lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ THA.
Có hay không sự chồng chéo về chức năng?
Về quy định cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa Tòa án và cơ quan, tổ chức THADS của Tòa án đối với hoạt động THADS, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, qua thảo luận có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Tòa án như quy định hiện hành, Tòa án chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, qua đó cũng xác nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành...
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định theo hướng: Toà án ra tất cả các quyết định liên quan trực tiếp đến khởi động việc thi hành án, làm dừng hoặc thay đổi tiến trình thi hành án như quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, ủy thác, trả đơn yêu cầu thi hành án... Tuy nhiên, Chính phủ nghiêng về phương án 1 vì cho rằng, việc THADS là khâu phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau... Nếu theo phương án 2 sẽ làm phát sinh thêm rất nhiều thủ tục hành chính giữa cơ quan THADS, Tòa án và đương sự, kéo dài thời gian và làm tăng chi phí thi hành án.
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong THADS, dự thảo Luật đã quy định: VKSNDTC có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan THADS, Chấp hành viên, đương sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THADS theo quy định của pháp luật… Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, VKSQS theo hướng: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; việc giải thích bản án, trả lời kiến nghị của cơ quan THADS…
Tuy nhiên, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trình Quốc hội lần này cũng đã có quy định, ngoài chức năng xét xử, TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (theo tinh thần của Hiến pháp). Theo đó, khi thực hiện quyền tư pháp, TAND có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có “quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án”… Như vậy, Tòa án có chức năng giám sát công tác thi hành bản án, quyết định của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật THADS quy định chức năng của VKS như trên là trùng lặp với thẩm quyền, nhiệm vụ của TAND trong phạm vi thực hiện quyền tư pháp của mình.