Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Đảng ủy quân sự Trung ương đã quyết định giao cho Tòa án Quân sự Trung ương xây dựng Đề án nghiên cứu xác định thẩm quyền Tòa án quân sự.
Với việc nghiên cứu toàn diện, hệ thống cả lịch sử và quy định của pháp luật hiện hành; tham khảo pháp luật của nhiều nước và lấy ý kiến của các ban ngành như Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC. Kết quả nghiên cứu, Tòa án Quân sự Trung ương đã tham mưu cho Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTU ngày 8/3/2007 về việc lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong quân đội đến năm 2020.
Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại phiên họp thứ 27 UBTVQH. (ảnh : Dương Giang)
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự được khẳng định: "Trên cơ sở thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành, cần nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ của quân đội, chú ý đến khách thể đặc biệt cần được bảo vệ là kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội, yếu tố bí mật quân sự để xác định hợp lý thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự theo hướng: Các Tòa án Quân sự xét xử các vụ án hình sự mà người phạm tội là quân nhân tại ngũ, công nhân công chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và những vụ án hình sự do người khác phạm tội nhưng gây thiệt hại cho quân đội hoặc liên quan đến bí mật quân sự".
Kết quả của Đề án nghiên cứu xác định thẩm quyền Tòa án Quân sự dựa trên các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, thẩm quyền "xét xử những vụ án hình sự mà việc phạm tội gây thiệt hại cho quân đội" có tính lịch sử, được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng. Pháp luật nước ta trong các thời kỳ, dù trong điều kiện chiến tranh hay hòa bình, đều quy định Toà án Quân sự có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự mà quân nhân và những người khác do quân đội trực tiếp quản lý phạm bất kỳ tội gì; bất kỳ ai phạm tội gây thiệt hại cho quân đội hoặc liên quan đến bí mật quân sự. Ngoài ra, trong nhiều giai đoạn, Toà án Quân sự còn xét xử các vụ án xảy ra trong doanh trại quân đội…
Thứ hai, việc quy định thẩm quyền xét xử của Toà án Quân sự phù hợp với đặc điểm hoạt động tư pháp trong quân đội; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của quân đội nhân dân Việt Nam. Thẩm quyền xét xử của Toà án Quân sự có quan hệ biện chứng với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của quân đội và nhiệm vụ của Toà án Quân sự. Nhiệm vụ của Tòa án Quân sự là bảo vệ sức mạnh chiến đấu của quân đội, do đó, tội phạm gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của con người thuộc quyền quản lý của quân đội, vũ khí, trang thiết bị quốc phòng phải do Toà án Quân sự xét xử.
Thứ ba, trong hoạt động tố tụng hình sự, thẩm quyền xét xử của Toà án có quan hệ chặt chẽ với các hoạt động tố tụng quan trọng khác, nhất là điều tra vụ án hình sự. Theo Pháp lệnh điều tra hình sự, thẩm quyền xét xử của Toà án Quân sự là cơ sở để xác định thẩm quyền điều tra của các Cơ quan điều tra hình sự trong quân đội. Do đó, chỉ khi giao cho các Toà án Quân sự xét xử các vụ án mà bị cáo là các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh, các vụ án gây thiệt hại cho quân đội hoặc liên quan đến bí mật quân sự thì mới bảo đảm để Cơ quan điều tra trong quân đội điều tra đầy đủ, khách quan vụ án và Viện kiểm sát quân sự kiểm sát hoạt động tư pháp chặt chẽ. Các hoạt động điều tra như bắt, khám xét, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường... đều liên quan đến bí mật quân sự, cho nên ngoài các Cơ quan điều tra trong quân đội, Viện kiểm sát quân sự thì các Cơ quan điều tra khác không thể điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, việc giao cho Tòa án Quân sự thẩm quyền xét xử tất cả các vụ án mà quân nhân phạm tội, những vụ án gây thiệt hại cho quân đội là tạo điều kiện thuận lợi cho Quân ủy Trung ương lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với quân đội; quản lý cán bộ, Đảng viên là quân nhân; các cấp ủy Đảng trong quân đội không thể lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết các vụ án mà người phạm tội là đảng viên quân nhân trong khi vụ án lại thuộc thẩm quyền của TAND.
Kinh nghiệm của các nước đều cho thấy rằng, ở tất cả các nước có Tòa án Quân sự thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau, các Tòa án Quân sự đều có thẩm quyền xét xử tất cả quân nhân và những người khác do quân đội quản lý phạm bất bất kỳ tội gì. Không có quốc gia nào quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự như định hướng nghiên cứu của Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Vì thế cho nên, nếu quy định thẩm quyền Tòa án Quân sự chỉ xét xử quân nhân phạm tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là không hợp lý, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn; không góp phần xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không tạo điều kiện cho Quân ủy Trung ương và các cấp ủy Đảng trong quân đội lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với quân đội, nhất là trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phức tạp của tình hình thế giới và khu vực hiện nay. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị mới chỉ đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, xác định thẩm quyền Tòa án Quân sự chứ chưa phải là quy định Tòa án Quân sự chỉ xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự.
Theo quy định của Luật Quốc phòng, việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật do Toà án Quân sự đảm nhiệm. Bởi vì, chính quyền nhà nước trên địa bàn thiết quân luật là chính quyền quân quản; các cơ quan nhà nước khác (trong đó có TAND) không hoạt động cho nên Điều 32 của Luật Quốc phòng quy định: “Việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật do TAQS đảm nhiệm” là hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự chưa kịp bổ sung thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật. Mặt khác, Luật Tổ chức TAND hiện hành cũng chưa quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự đối với vụ án hình sự do những người không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 37 Dự thảo Luật Tổ chức TAND thực hiện trong doanh trại quân đội, khu vực quân sự do quân đội quản lý, bảo vệ. Do vậy, không có cơ sở để các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, truy tố, xét xử những vụ án nêu trên.
Ngoài việc xét xử các vụ án hình sự theo thẩm quyền do pháp luật quy định, Tòa án Quân sự còn thực hiện một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự, đó là: Việc ra quyết định thi hành án hình sự; Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình; xét giảm án tha tù, tham gia Tổ tư vấn đặc xá Bộ Quốc phòng... Cho nên, Luật Tổ chức TAND cần có quy định, Tòa án Quân sự "giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật".
Do vậy, việc giữ nguyên thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự như quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Tổ chức Tòa án Quân sự và bổ sung quy định tại Điều 32 Luật Quốc phòng không có gì mâu thuẫn với định hướng nghiên cứu theo quy định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
Từ những lý do nêu trên, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 37 Dự thảo Luật Tổ chức TAND về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Quân sự theo hướng:
Xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, viên chức và công nhân quốc phòng; quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý.
Những vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người được quy định tại khoản 1 Điều này hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội, khu vực quân sự do quân đội quản lý, bảo vệ. Khi đất nước hoặc địa bàn được tuyên bố trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Tòa án Quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trên địa bàn và trong thời gian thiết quân luật.