Dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Nhiều quy định còn chung chung

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là nhận xét của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chưa nước nào có luật này


Ủy ban Pháp luật tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này. Bởi lẽ, trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó giao cho nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ý kiến này cho rằng, những tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật chưa nghiêm, chưa hợp lý. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan, các cấp, các ngành cũng chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác này nên hiệu quả chưa cao, chứ không hẳn là do chưa có một đạo luật riêng điều chỉnh. Hơn nữa, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo thì cũng chưa thấy có nước nào trên thế giới ban hành riêng một đạo luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thúy Anh phát biểu ý kiến.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, mục tiêu ban hành Luật đã được thể hiện nhưng chưa thật rõ nét trong Dự thảo; phạm vi điều chỉnh của Luật vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa đưa ra được các quy định về cách thức để người dân thực hiện quyền được tiếp cận pháp luật khi có nhu cầu.


Nhiều quy định chung chung


Dự thảo Luật tuy đã được tiếp thu chỉnh lý nhưng vẫn còn tập trung nhiều vào các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật (văn bản pháp luật) tới người dân; chưa đưa ra được các chính sách pháp luật có tính đột phá để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự đem lại hiệu quả hữu hiệu. Các quy định của Dự thảo Luật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn chung chung, chưa giải quyết được các bất cập còn tồn tại hiện nay. Nhận thức về vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự đầy đủ. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật còn nặng theo định hướng chủ quan của cơ quan, tổ chức làm công tác này mà chưa xuất phát từ nguyện vọng của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật còn máy móc, chưa thực sự phù hợp với các đối tượng được phổ biến và tình hình thực tiễn.


Ủy ban Pháp luật cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì cần phải đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cho công tác này. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật mới chỉ quy định chung chung “Nhà nước thực hiện xã hội hóa”, “khuyến khích”, “hỗ trợ”, “có chính sách hỗ trợ”. Dự thảo Luật chưa đưa ra được các quy định cụ thể về các biện pháp thúc đẩy việc xã hội hóa đối với công tác này, ví dụ như được hỗ trợ, tạo điều kiện cụ thể như thế nào, được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính, thuế?


Ủy ban Pháp luật đề nghị cần bổ sung quy định về việc giáo dục pháp luật trong gia đình, cơ quan, tổ chức, nhất là giáo dục đối với phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng để bảo đảm tính hiệu quả và toàn diện của nội dung này (đối với phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng không nên đặt vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật một cách chung chung mà cần phải tiến hành giáo dục pháp luật nhằm thay đổi hành vi của họ).


Dự thảo Luật quy định hình thức giáo dục pháp luật chính khóa được thực hiện thông qua môn học giáo dục công dân trong trường phổ thông. Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên quy định cứng việc giáo dục pháp luật bắt buộc phải được thực hiện thông qua môn học giáo dục công dân. Tùy từng cấp học, lớp học khác nhau mà có thể thực hiện giáo dục pháp luật thông qua môn học giáo dục công dân hoặc lồng ghép trong các môn học khác như: Kể chuyện, Đạo đức, Tiếng Việt, Lịch sử v.v…


Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong Dự thảo Luật vẫn còn chủ yếu thiên về phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật (các văn bản pháp luật). Thực tiễn cho thấy không phải cứ có kiến thức pháp luật là chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chủ quan của mỗi cá nhân. Tình trạng buông xuôi, chấp nhận tiêu cực, vi phạm pháp luật để “được việc” vẫn còn xảy ra khá phổ biến trong nhân dân. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần bổ sung nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm cả ý thức chấp hành pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh trước các hành vi vi phạm pháp luật, ý thức bảo vệ pháp chế XHCN.


Đối tượng chưa rõ


Theo Ủy ban Pháp luật, mục đích trước hết của phổ biến, giáo dục pháp luật phải là làm sao cho đại bộ phận người dân nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật để thực hiện đúng pháp luật. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa thể hiện rõ được quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng chung là đại bộ phận người dân. Với đối tượng này cần thường xuyên, liên tục thực hiện việc phổ biến, giáo dục những kiến thức pháp luật phổ thông, thiết thực với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của mọi công dân.


Về các đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban pháp luật đề nghị cần làm rõ hơn cơ sở của việc xác định các đối tượng này. Nếu xác định các đối tượng đặc thù này được “ưu tiên” vì lý do gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật như đã nêu trong Tờ trình thì các đối tượng khác như nông dân, người già, người nghèo… cũng gặp khó khăn tương tự thì giải quyết ra sao?


Trung Kiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Nhiều quy định còn chung chung