Sáng 19/9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Các ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh dự thảo luật hiện nay quá rộng, khó khả thi.
Quản lý các giao dịch điện tử thế nào?
Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành đã 17 năm, bên cạnh việc luật đã tạo hành lang pháp lý để phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đóng góp quan trọng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sửa đổi.
Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi luật với 9 nhóm chính sách lớn.
Tại phiên họp này, UBTVQH đã tập trung thảo luận các nội dung: Sự phù hợp của dự thảo luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; phạm vi, đối tượng điều chỉnh; sự phù hợp, tương thích của luật với các luật có liên quan; Đồng thời, cho ý kiến dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội hay chưa.
Bên cạnh đó, UBTVQH tập trung thảo luận về mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử với tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; các quy định để đảm bảo giá trị pháp lý, độ tin cậy, an toàn của thông điệp điện tử, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch, hợp đồng điện tử; sự tương thích với các luật hiện hành…
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần làm rõ hơn vai trò của các Bộ, ngành trong việc quản lý các lĩnh vực liên quan đến các giao dịch điện tử khi chuyển đổi số, chuyển đổi sang môi trường điện tử.
Đồng thời, khi chuyển đổi những giao dịch bằng văn bản giấy sang môi trường số phải đảm bảo đầy đủ tính toàn vẹn của các giao dịch đó như đã được quy định trong các luật hiện hành; đảm bảo đầy đủ các điều kiện để các cơ quan nhà nước quản lý được giao dịch điện tử như quản lý đối với giao dịch bằng hình thức văn bản giấy.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ nhiệm UBPL cũng cho rằng, Luật 2005 có phạm vi điều chỉnh khá hẹp. Hiện nay, dự thảo luật mở rộng áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đề nghị rà soát thêm để đảm bảo tính khả thi cũng như tính đầy đủ của những nội dung chúng ta đưa vào trong phạm vi điều chỉnh.
Chủ nhiệm UBPL cũng đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Một số nước trên thế giới cũng không mở rộng hết tất cả những giao dịch điện tử sang mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đất đai và thừa kế, nhưng hiện dự thảo luật đã mở rộng đến rồi. Nếu chúng ta đưa ra một quy định quá tiến bộ nhưng không phù hợp với hạ tầng kỹ thuật thì không thể đi vào cuộc sống, Chủ nhiệm UBPL nhấn mạnh.
Nhiều nội dung chưa tương thích, quá rộng so với một số luật
Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cũng chỉ ra, hiện dự thảo luật này liên quan đến 7 luật hiện hành nên cần rà soát để đảm bảo khả thi.
Đó là các nội dung liên quan đến Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự hiện hành, trong đó đáng chú ý là nội dung liên quan đến Hợp đồng điện tử. Trải rộng khắp quy định của luật này liên quan đến giao kết hợp đồng điện tử, nhưng những quy định này chưa đảm bảo đầy đủ khuôn khổ pháp lý để đảm bảo có thể thực hiện những giao dịch điện tử một cách an toàn, thuận lợi và đảm bảo chặt chẽ.
Bởi vì, hiện nay hợp đồng bằng bản giấy là đầy đủ, đảm bảo an toàn, thuận lợi và người ta mới sử dụng. Còn nếu ký kết hợp đồng điện tử nhưng người ta không thể hủy được, không thể thay đổi được như hợp đồng giấy thì người ta sẽ không sử dụng, vì nó không thực tế. Do vậy, cần rà soát rất kỹ với những quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự để chúng ta có thể quy định một cách đầy đủ, đảm bảo khung pháp luật thống nhất và đảm bảo tính hiệu lực đối với hợp đồng điện tử.
Liên quan đến Luật Chứng thực, dự thảo luật quy định, trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được chứng thực bởi tổ chức, cá nhân khởi tạo thông điệp dữ liệu hoặc một tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu quy định tại khoản 2 Điều 11 của dự thảo luật.
Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định này cũng mở rộng rất lớn so với quy định của luật năm 2005. Luật 2005 về giao dịch điện tử chỉ quy định về chứng thực chữ ký điện tử, dự thảo luật đã bổ sung quy định về chứng thực thông điệp dữ liệu, trong đó bao gồm cả chứng thực về hợp đồng điện tử.
Theo Chủ nhiệm UBPL, dự thảo luật mới tập trung chủ yếu chứng thực về các yếu tố kỹ thuật mà chưa đáp ứng được yêu cầu chứng thực về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện của các bên. Liên quan đến Luật Công chứng cũng tương tự như vậy, nên đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ.
Luật Công chứng quy định việc chúng ta phải xác nhận tính chính xác của nó bằng một bên thứ ba, tính hợp pháp và tính chính xác của giao dịch. Nhưng dự thảo luật lại nghiễm nhiên quy định là "thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật về công chứng", sẽ không rõ ràng và hợp lý. “Thông điệp dữ liệu” không thể đương nhiên coi như đã được công chứng, bởi nó không thể hiện được xác thực tính hợp pháp của giao dịch hợp đồng.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ luật này liên quan đến những luật nào: Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng? Khi ban hành luật phải đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về hợp đồng điện tử, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng, chế định hợp đồng điện tử có liên quan đến chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự. Nên phải thể hiện rõ những gì trong hợp đồng điện tử mà chưa thống nhất với chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự. Đồng thời, làm rõ các nội dung: các giai đoạn giao kết hợp đồng điện tử, điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng điện tử và các trường hợp đồng điện tử vô hiệu.