Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Nhà báo tác nghiệp cần được coi như đang thực thi công vụ

Mai Thoa| 16/07/2015 23:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội tổ chức vừa qua với rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng về quản lý báo chí hiện nay.

Đề cao vai trò cơ quan chủ quản

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết: Việc quản lý báo chí hiện nay rất cần những quy định cụ thể, chặt chẽ trong Luật để điều chỉnh, trong đó có vai trò của cơ quan chủ quản. Hiện nay có một thực trạng là cơ quan chủ quản sau khi xin phép thành lập tờ báo nhưng không quản lý mà dồn cho Bộ, Sở TT&TT; khi báo chí sai phép cũng không phải chịu trách nhiệm, vì vậy dự thảo Luật tăng cường trách nhiệm cho những cơ quan này.

Dự thảo Luật Báo chí lần này cũng đã dành riêng một điều đề cập đến quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí, trong đó có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản. Cụ thể, điểm d, khoản 3, Điều 17 của dự thảo Luật quy định: "Người đứng đầu cơ quan chủ quản, người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc".

Theo bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh, thiếu niên & nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội, phần lớn tồn tại trong hoạt động báo chí không phải nguyên nhân từ luật, mà từ công tác quản lý và hoạt động; không chỉ từ cơ quan quản lý Nhà nước mà từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí của Tổng Biên tập. Nhiều cơ quan chủ quản cứ xin cho ra được tờ báo, xong rồi khoán hết cho Tổng Biên tập. Bà Đan cho rằng, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân tuy được quy định trong dự thảo Luật nhưng việc thực hiện quyền này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của cơ quan báo chí, năng lực và đạo đức nhà báo. “Nhà nước không kiểm duyệt báo chí nên trách nhiệm kiểm tra bảo đảm nội dung thông tin trên báo chí đương nhiên phải là trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí”, bà Đan nhấn mạnh.

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng, cần quản lý chặt chẽ các ấn phẩm phụ của các tờ báo và trang thông tin điện tử. Vì hiện nay có một số tờ khá lộn xộn, không đi đúng tôn chỉ, mục đích. Nếu không kiểm duyệt chặt chẽ thì kiểu làm báo a dua và làm báo cắt dán sẽ là mối nguy hại của báo chí nước nhà.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Nhà báo tác nghiệp cần được coi như đang thực thi công vụ

Toàn cảnh Hội nghị 

Đề cập đến những sai phạm từ các ấn phẩm phụ của các cơ quan báo chí thời gian qua, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn nhận định, chủ yếu những sai phạm xảy ra trong thời gian vừa qua là do hoạt động liên kết của các tờ báo. “Chúng ta không có báo chí tư nhân nhưng tư nhân lại tham gia bằng hình thức liên kết. Vì vậy, phải siết chặt quyền và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, không siết đối tác liên kết, vì người quyết định đăng phát là cơ quan báo chí, là Tổng Biên tập chứ không thể đổ hết tội cho đối tác liên kết được”, ông Doãn nhấn mạnh.

Hoạt động báo chí có phải là hoạt động công vụ?

Ở góc độ khác, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần bổ sung tổ chức kinh tế vào những loại hình tổ chức được phép thành lập cơ quan báo chí, vì trên thực tế đã có các doanh nghiệp thành lập báo. Theo ông Thuyết, liên kết làm cho hoạt động báo chí sôi nổi, hấp dẫn hơn nhưng cũng dễ sai phạm. Do đó, nếu quản được việc liên kết thì mới chấn chỉnh được hoạt động báo chí.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cũng đề nghị, Luật Báo chí đến nay 15 năm mới sửa một lần, nên cần cân nhắc thật kỹ càng. Nên mở rộng đối tượng điều chỉnh với các hoạt động mang tính báo chí, có tính chất như báo chí.

Liên quan đến quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, ông Đỗ Quý Doãn cho biết: “20 năm quản lý báo chí, tôi vẫn nghe thắc mắc, hoạt động báo chí là gì, có phải là hoạt động công vụ không? Nhưng dự Luật vẫn chưa làm rõ được điều đó. Thực tế đã đặt ra, ai làm đúng luật phải được luật bảo hộ”. Theo ông Doãn, hoạt động báo chí là hoạt động đặc thù, được coi như hoạt động công vụ thì ai cản trở báo chí sẽ là cản trở hoạt động công vụ, giảm tình trạng cản trở, hành hung, truy sát nhà báo, nhưng điều khoản xử lý rất nhẹ, không có cơ sở để cơ quan chức năng xem xét. Cần có hội thảo riêng về vấn đề này để thảo luận kỹ.

Còn theo ĐBQH Lê Như Tiến, nếu nhà báo đang thực hiện nhiệm vụ do Tòa soạn giao thì phải được xem là hoạt động công vụ, việc cản trở họ tác nghiệp cũng phải xem là cản trở người thi hành công vụ. “Nếu Luật Báo chí luật hóa được quan điểm này thì rất tốt”, ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Nhà báo tác nghiệp cần được coi như đang thực thi công vụ