Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Còn quan điểm khác nhau về vấn đề tranh tụng

Mai Thoa| 27/08/2015 22:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hơn 2 ngày làm việc, ngày 26/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp tới đã bế mạc.

Trước đó, các đại biểu đã thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Ghi âm, ghi hình bảo đảm minh bạch trong hỏi cung

Qua thảo luận cho thấy, nhiều đại biểu quan tâm đến các vấn đề như: Có nên bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung của bị can hay không? Vấn đề tranh tụng trong xét xử...

Báo cáo trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về một số vấn đề lớn của dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) của UBTVQH cho thấy: Việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.

ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can cần phải là quy định bắt buộc. Quy định này cũng tạo điều kiện cho những người muốn làm chứng, muốn cung cấp thông tin thì họ tự ghi âm, ghi hình và cán bộ điều tra phải tôn trọng việc ghi âm, ghi hình của họ, đồng thời trong trường hợp cần thiết phải coi đó là một chứng cứ. Còn việc áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình ở các địa điểm khác ngoài cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan điều tra, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị bổ sung thêm quy định, bị can cũng có quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình nếu họ có nhu cầu nhằm đảm bảo tính minh bạch ở mọi nơi, mọi lúc và cũng giúp cho Cơ quan điều tra, giúp cho cơ quan tư pháp có đủ bằng chứng và xét xử minh bạch hơn.

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Còn quan điểm khác nhau về vấn đề tranh tụng

Đại biểu Trần Văn Độ phát biểu ý kiến

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đã hỏi cung là phải ghi âm, ghi hình. Có như vậy mới bảo đảm được quyền của các cơ quan bảo vệ pháp luật vừa bảo vệ quyền con người đã ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, cũng cần phải quy định cụ thể tránh quy định “vì lý do khách quan”.

Tranh tụng như thế nào?

Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là một trong những phương pháp hữu hiệu để tránh kết án oan, kết án sai, được nhiều ĐBQH đồng tình. Tuy nhiên, khi thảo luận về vấn đề này, có đại biểu đề nghị, nguyên tắc tranh tụng không nên chỉ bó buộc trong phạm vi phiên tòa, mà cần mở rộng ở cả các giai đoạn tố tụng trước đó.

Theo ĐB Trần Văn Độ (An Giang), hiểu tinh thần của Hiến pháp về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử là phải có tranh tụng trong toàn bộ quá trình điều tra, hỏi cung. Và, dù trong giai đoạn điều tra, hỏi cung thì cũng cần trao quyền được hỏi cho luật sư, quyền được đối chất với Điều tra viên cho bị can. Vì tất cả mọi thủ tục tố tụng đều phải bảo đảm bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng với nhau. Do vậy, đề nghị sửa thuật ngữ “tranh tụng” trước Tòa thành “tranh luận” trước Tòa để bảo đảm đúng tinh thần của nguyên tắc tranh tụng.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng, cần trao cho luật sư được hỏi ngay trong giai đoạn điều tra, hỏi cung. Vì thực chất, luật sư gần như phải im lặng vì không được quyền hỏi bị can trong giai đoạn này.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị trao quyền xét hỏi cho Kiểm sát viên và người bào chữa thực hiện trước. Sau khi lắng nghe, nếu thấy cần thiết thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tiếp tục xét hỏi. Như vậy mới bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) lại có quan điểm khác. Ông cho rằng, đặc trưng trong tố tụng tại Việt Nam là kết hợp giữa xét hỏi và tranh tụng, chứ không chỉ tranh tụng nguyên nghĩa như ở các nước khác. Theo đó, ở nhiều nước, Tòa án “không biết gì về hồ sơ” vụ án, mà chỉ nghe bên buộc tội và bên gỡ tội trình bày quan điểm, tranh luận với nhau, sau đó ra phán quyết. Do vậy, ông không đồng tình với quan điểm đổi thuật ngữ “tranh tụng” thành “tranh luận” trước Tòa cũng như việc điều chỉnh trình tự xét hỏi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Còn quan điểm khác nhau về vấn đề tranh tụng