Để khắc phục những hạn chế của BLTTHS hiện hành, Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự (TAQS).
Việc quy định thẩm quyền xét xử của TAQS đầy đủ hơn sẽ góp phần bảo vệ tối đa sức mạnh chiến đấu, phù hợp với các đặc điểm về tổ chức, hoạt động của quân đội.
Một số vướng mắc khi thực hiện thẩm quyền xét xử của TAQS
Trong những năm qua, mặc dù Điều 3 của Pháp lệnh Tổ chức TAQS quy định nhiều đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, nhưng thực tế các TAQS chủ yếu xét xử ba loại đối tượng là: Quân nhân tại ngũ phạm tội (chiếm khoảng 38%); công nhân, nhân viên quốc phòng (chiếm khoảng 7,5%); quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ và người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự phạm tội (chiếm khoảng 0,4%); số người ngoài quân đội (chiếm khoảng 54,1%). Khi áp dụng các quy định của pháp luật để xác định đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, các cơ quan tư pháp trong quân đội đã gặp một số vướng mắc, đó là: Các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật không quy định giao cho TAQS có thẩm quyền xét xử đối với các tội phạm xảy ra trong doanh trại, trong khu vực quân sự, khu vực có bảo vệ của quân đội. Do đó, thời gian qua nhiều vụ người dân phạm tội chiếm đoạt tài sản của quân nhân xảy ra trong khu vực quân sự không được điều tra kịp thời, triệt để; thậm chí, có việc không điều tra được vì Cơ quan điều tra hình sự trong quân đội không có thẩm quyền điều tra.
Một phiên tòa do TAQS khu vực I Quân chủng Hải quân xét xử
Mặt khác, Điều 3 Pháp lệnh Tổ chức TAQS quy định các đối tượng trong đó có công nhân quốc phòng thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì, phạm tội ở đâu. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 01/2005 lại hướng dẫn công nhân quốc phòng bao gồm công dân có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với đơn vị, doanh nghiệp quân đội; nếu họ phạm tội trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo hợp đồng, thì mới thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, còn phạm tội ngoài thời gian trên thì không thuộc thẩm quyền. Hướng dẫn này đã dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền xét xử, làm cho việc điều tra, giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng.
Cũng theo Thông tư số 01/2005 hướng dẫn thì người bị tạm giữ, bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù là thường dân bị người ngoài quân đội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm kể cả trường hợp hành vi phạm tội đó được thực hiện trong khu vực nhà tạm giữ, nhà tạm giam, trại giam quân sự cũng không thuộc thẩm quyền điều tra của các cơ quan điều tra trong quân đội. Quy định này đã gây khó khăn, bất cập cho công tác điều tra và không phù hợp với thực tế hoạt động của quân đội. Một số trường hợp do nhận thức không đúng thế nào là gây thiệt hại cho quân đội, thế nào là khu vực có bảo vệ của quân đội, cho nên đã xác định sai thẩm quyền xét xử. Vụ án đáng lẽ thuộc thẩm quyền xét xử của TAND, nhưng Viện kiểm sát lại truy tố trước TAQS. Ngược lại, nhiều vụ án bị cáo gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của những người do quân đội quản lý, cơ quan tố tụng ngoài quân đội vẫn điều tra, truy tố, xét xử, mà không chuyển giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng của quân đội.
Việc tách vụ án theo Điều 5 của Pháp lệnh chưa được các TAND thực hiện thống nhất. Nhiều vụ án có bị cáo, tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS nhưng TAND vẫn thụ lý xét xử toàn bộ vụ án. Có vụ không thể tách được song TAND vẫn tách và chuyển cho TAQS xét xử, gây bất lợi cho bị cáo và trái với quy định của BLTTHS. Nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc trên là do việc hướng dẫn thực hiện thẩm quyền xét xử của TAQS chưa đầy đủ, chưa cụ thể rõ ràng dẫn đến nhận thức áp dụng chưa thống nhất.
Hoàn thiện thẩm quyền xét xử của TAQS
Theo quy định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp là “Nghiên cứu, xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của TAQS theo hướng chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự...”. Điều 49 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Các TAQS được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Luật Tổ chức TAND 2014 cũng chưa quy định cụ thể thẩm quyền xét xử của TAQS.
Để khắc phục những hạn chế của BLTTHS hiện hành, Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về thẩm quyền xét xử của TAQS. Theo đó, Điều 268 của Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) quy định: TAQS có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội. TAQS xét xử các vụ án có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người nêu trên hoặc gây thiệt hại đến tài sản được quân đội cấp cho những người này để thực hiện nhiệm vụ quân sự hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do quân đội quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, TAQS có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Đối với các bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của TAND và TAQS, Điều 269 của Dự thảo phân định rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án trong trường hợp bị cáo vừa phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của TAND, vừa phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS. Theo đó, trường hợp có thể tách vụ án thì TAQS xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS; TAND xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND; trường hợp không thể tách vụ án thì TAQS xét xử toàn bộ vụ án.
Việc quy định thẩm quyền xét xử của TAQS đầy đủ hơn sẽ góp phần bảo vệ tối đa sức mạnh chiến đấu của quân đội, phù hợp với các đặc điểm về tổ chức, hoạt động của quân đội. Qua đó, tạo điều kiện cho Quân ủy Trung ương lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với quân đội; quản lý cán bộ, đảng viên có hiệu quả theo Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị "Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng".