Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần ba đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định để bảo đảm thực hiện quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự trong TTDS và việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế.
Hạn chế của nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự
Theo quy định tại Điều 5 BLTTDS hiện hành thì “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội”. Như vậy, nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự là nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam; đương sự được quyền tự do thể hiện ý chí của mình trong việc lựa chọn thực hiện các hành vi tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, được quyết định quyền, lợi ích của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Bên cạnh việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì nguyên tắc này còn có ý nghĩa trong việc xác định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự. Tòa án phải luôn luôn tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, việc thụ lý giải quyết vụ việc dân sự hoàn toàn dựa trên sự định đoạt của đương sự.
Ngoài ra, theo Điều 60 BLTTDS 2004 thì: Bị đơn có quyền định đoạt trong việc đưa ra yêu cầu phản tố; và theo Điều 61 BLTTDS thì: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền tự định đoạt trong việc đưa ra yêu cầu đối với nguyên đơn, bị đơn. Về quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự cũng được quy định tại tại Điều 161 và Điều 162 BLTTDS. Với các quy định đó, đương sự được quyền tự định đoạt trong việc khởi kiện vụ án dân sự, nộp đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác. Về quyền tự định đoạt trong việc yêu cầu giải quyết việc dân sự thì đương sự chỉ yêu cầu Tòa án công nhận hay không công nhận một sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ của họ hoặc công nhận quyền, nghĩa vụ của họ. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án khi có đơn khởi kiện của các chủ thể, đây là phương thức đặc trưng trong việc thực hiện quyền tự định đoạt trong TTDS. Với việc khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết việc dân sự kịp thời thì các quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ được bảo vệ, những thiệt hại sớm được khắc phục, ngăn chặn và chấm dứt được hành vi trái pháp luật…
Tọa đàm đóng góp ý kiến để hoàn thiện thủ tục TTDS
Mặc dù nhiều điều, khoản của BLTTDS hiện hành đề cao nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ việc dân sự, nhưng cũng tại BLTTDS lại có những điều, khoản lại “làm khó” quyền tự định đoạt của đương sự. Tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS quy định căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp: “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận” và Điều 269 BLTTDS quy định “Việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm phải được sự đồng ý của người bị kiện” là bất hợp lý, mâu thuẫn, vi phạm nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Mặt khác, khoản 2 Điều 283 BLTTDS quy định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là: “Khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là không hợp lý. Bởi vì, trên thực tế nhiều trường hợp đương sự thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng các bên vẫn đồng ý với nội dung bản án, quyết định của Toà án và tự nguyện thi hành án, nhưng bản án, quyết định đó vẫn bị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đây là một khiếm khuyết, là sự can thiệp quá sâu vào đời sống dân sự của đương sự, làm mất thời gian, lãng phí tiền bạc, vi phạm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Đề cao quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ việc
Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã quy định “Việc bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt luôn được tôn trọng”. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật TTDS hiện hành vẫn hạn chế quyền tự định đoạt của đương sự. Để khắc phục tình trạng trên, Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 3 đã bổ sung, sửa đổi về trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự và vụ án dân sự theo hướng có sự chuyển hoá về mối liên hệ giữa hai thủ tục này để linh hoạt, mềm dẻo khi giải quyết vụ việc nhằm kết thúc vụ việc một cách nhanh chóng mà vẫn bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định để hoàn thiện chế định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo hướng phân định rõ sự khác biệt về địa vị pháp lý trong tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, bởi khi tham gia tố tụng, hai loại chủ thể khác nhau có quyền và nghĩa vụ đương nhiên khác nhau.
Bên cạnh đó, tại Điều 209 của Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 3 cũng sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định mới về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Điều 210 cũng sửa đổi, bổ sung thêm về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Ngoài ra, các quy định cũng phân định rõ các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo hướng tách thành các điều luật riêng biệt và cụ thể. Quyền là nội dung đương sự có thể làm hoặc không làm nhưng nghĩa vụ là việc đương sự phải làm và bắt buộc làm; trường hợp đương sự không thực hiện thì phải chịu hậu quả về việc không thực hiện của đương sự. Hơn nữa, Dự thảo cũng tăng cường trách nhiệm của nguyên đơn trong việc chứng minh sự tồn tại của lợi ích cần được bảo vệ lớn hơn chi phí để thực hiện việc bảo vệ, cũng như tính khả thi của thực thi nghĩa vụ của bị đơn.
Dự thảo cũng quy định rõ việc ủy quyền tham gia tố tụng của đương sự mang tính đặc thù, người làm chứng phải cam kết những gì khai trước Tòa là sự thật và chịu trách nhiệm về lời khai cùa mình. Bổ sung các quy định về quyền thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ; quyền tiếp cận chứng cứ; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thu tục và thời hạn để luật sư (người bảo vệ quyền và lại ích họp pháp của đương sự) tham gia tố tụng; các bên đương sự được quyền đề nghị Tòa án triệu tập nhân chứng mà họ cho rằng sẽ góp phần bảo vệ quan điểm, lập luận của họ trong tố tụng… Đồng thời, Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 3 cũng quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự nhằm bảo đảm thực hiện quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự trong TTDS và việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế.