Tham dự một số phiên tòa xét xử các vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” trong thời gian qua, những người dự khán không tránh khỏi nỗi ám ảnh, xót xa trước thân phận, động cơ phạm tội và sự xuống cấp đạo đức của các nữ bị cáo.
Từ hoàn cảnh là những nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc, các bị cáo như bị tê cứng về tinh thần, quay về quê hương để lừa chính đồng bào mình.
Bị cáo Mai Thị Mèo (SN 1976, ngụ ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) cúi đầu trước vành móng ngựa TAND huyện Bến Cầu ngày 8/11/2016 nhận 30 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Trước đó, TAND TP. Hồ Chí Minh cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hải 24 tháng tù về tội danh tương tự. Hai bị cáo Mèo và Hải có thân phận, hoàn cảnh giống nhau đến kỳ lạ, chỉ khác là Mèo lắm “mưu” hơn khi dụ được 5 phụ nữ tình nguyện sang Trung Quốc làm… bồi bàn.
Hình minh họa
Theo cáo trạng, bị cáo Mai Thị Mèo rời vùng quê ở xã Tiên Thuận để sống đời lưu lạc với mơ ước được “xuất ngoại”. Năm 2014, Mèo xuất cảnh trái phép sang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Mèo khai ở nơi đất khách quê người, bị cáo sống như vợ chồng với ông Phàn, chủ một quán cơm phở. Ngày qua ngày, có lúc Mèo nghĩ mình đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, có thể ung dung sống nốt quãng đời còn lại bên người “chồng ngoại”.
Công việc làm ăn của chồng Mèo ngày càng khấm khá, thực khách đông lên nên một mình Mèo không thể đảm đương việc phục vụ. Do đó, Mèo bàn với ông Phàn cho Mèo… về quê tìm nhiều người giúp việc đưa sang Trung Quốc làm thuê cho chồng. Khi bị cáo khai ra động cơ phạm tội nêu trên, ai cũng rất ngạc nhiên và nghi ngờ về độ trung thực, bởi Trung Quốc có dân số đông, dễ tìm nhân công, tại sao Mèo lại phải cất công vượt hàng ngàn km về nước tìm “người giúp việc”?
Ngày 9/8/2016, Mèo về đến ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu và loan báo đang có nhu cầu tìm người “xuất ngoại” để giúp việc. Nghe tin, sáng 15/8, có đến 5 phụ nữ sống gần nhà của Mèo tìm đến gặp, năn nỉ nhờ Mèo đưa sang Trung Quốc bưng bê cho quán phở. Mèo tỏ vẻ cân nhắc rồi chấp nhận và bỏ ra gần 30 triệu đồng “tạm ứng lộ phí”, sau khi sang Trung Quốc làm việc, mỗi “nhân sự” sẽ bị trừ vào tiền lương hàng tháng 5,5 triệu đồng/người.
Đến ngày 17/8, Mèo gọi con trai là Lê Tuấn T. (17 tuổi) và 5 phụ nữ trên đến một nhà nghỉ ở gần nhà, sau đó đưa đi TP. Hồ Chí Minh. Lộ trình Mèo đặt ra là mua vé xe khách đến TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, sau đó, đưa các “chị em” sang Trung Quốc bằng đường bộ.
Tuy nhiên, kế hoạch của Mèo bị “bể” khi một trong 5 người tỏ ý nghi ngờ Mèo đưa người bán sang Trung Quốc. Khi đi đến tỉnh Hà Tĩnh, lợi dụng lúc Mèo đang mải mê cơm nước, người phụ nữ lẻn đến Công an phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh kêu cứu. Ngày 25/8, Mèo phải tra tay vào còng về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Có hoàn cảnh còn bi đát hơn Mèo là bị cáo Nguyễn Thị Hải (SN 1964). Bị cáo không cha, không mẹ, không người thân thích đứng co ro trước vành móng ngựa, liên tục lau những giọt nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt xanh lét. Năm 19 tuổi, Hải bị một người phụ nữ dụ dỗ đi đến vùng biên giới Việt - Trung làm ăn rồi bán cho một người đàn ông Quảng Đông, Trung Quốc. Sau hai năm chịu cảnh đoạ đày, Hải bị bán vào “động quỷ” mại dâm.
Sau nhiều năm sống cảnh đọa đày, Hải bỏ trốn về Việt Nam. Trong một dịp tình cờ, Hải quen với Nguyễn Thị Liên (chưa xác minh được nhân thân), Liên cho tiền Hải và hẹn sẽ tạo công ăn việc làm. Hải khóc nức nở khai lại: Do tin người nên đã bị Liên lợi dụng, ngày 21/9, Liên cho Hải một điện thoại di động cùng một ít tiền và nhờ Hải dẫn 4 đứa trẻ vào TP. Hồ Chí Minh bằng xe khách sẽ có người đến nhận. Tuy nhiên, khi đến khu phố 4, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Hải bị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra phát hiện, bắt giữ.
Qua điều tra, Hải mới biết Liên là một mắt xích trong đường dây đưa người trốn đi nước ngoài trái phép. Liên đã lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt của Hải để biến bị cáo thành công cụ. Hải thành khẩn khai báo, chưa có tiền án tiền sự… nên HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt, tuyên phạt mức án 2 năm tù.
Hai vụ án khép lại bằng những hình phạt tương xứng dành cho các bị cáo nhưng điều nhức nhối là vì sao họ lại có thể “chuyển hóa” từ một nạn nhân bị bán hoặc trốn sang xứ người lại có thể cam tâm về nước để đưa người khác trốn đi nước ngoài? Phải chăng, trong tâm hồn các bị cáo, không có chỗ cho lòng thương yêu con người? Vụ án cũng là bài học cảnh giác cho những ai ở các vùng quê đang muốn “xuất ngoại”, đừng biến mình thành nạn nhân hay món hàng của bọn tội phạm.