Ngành du lịch Việt Nam đang ở vào tháng thứ 13 liên tiếp bị sụt giảm về số lượng khách quốc tế. Đâu là nguyên nhân cốt lõi cùng giải pháp triệt để cho thực trạng này.
Có lợi thế nhưng chỉ biết tận dụng
Du lịch Việt Nam luôn gắn liền với hàng tá danh hiệu như 1 trong 20 quốc gia đẹp nhất thế giới (The Rough Guides-Tạp chí Du lịch Anh quốc); xếp vị trí thứ 3 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới trong năm 2015 (tạp chí Forbes- Mỹ) và mới nhất sản phẩm du lịch Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới do Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh công bố. Nhưng ở hình ảnh ngược lại, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), so với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì kết thúc quý 1/2015, Việt Nam là quốc gia thu hút lượng khách quốc tế giảm mạnh nhất so với cùng kỳ 2014. Cụ thể, Nhật Bản tăng 43,7%, Thái Lan tăng 23,5% trong khi Việt Nam lại giảm đến 13,7%.
Việt Nam đang ở vị trí nào trong con mắt của du khách quốc tế là một câu hỏi khá thú vị. Không thể phủ nhận, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn và điều kiện tốt để phát triển du lịch như dải bờ biển từ Nam ra Bắc dài hơn 3.000 m, hệ sinh thái đa dạng, nền văn hóa với hơn 4.000 năm lịch sử cùng nhiều di tích, đền đài... Đây là những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được, nhưng có vẻ ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa biết tận dụng triệt để “vốn” sẵn có của mình.
Bỏ qua yếu tố về Visa luôn là một trong những rào cản chính đối với việc thu hút du khách, hãy bàn đến chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch), hầu hết sản phẩm du lịch trong nước hiện nay còn thiếu tính bền vững và tính chuyên nghiệp chưa cao nên dẫn đến tình trạng không ít du khách đã một đi không trở lại. “Họ cứ nghĩ rằng có khách đặt chân đến đâu thì tự nhiên tạo ra sản phẩm du lịch đến đó. Thậm chí, không ít nơi làm ra sản phẩm du lịch nhưng không phù hợp để phục vụ các khách hàng mục tiêu tại địa phương đó”, TS.Võ Quế, Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách Du lịch thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định.
Ông nhấn mạnh, các sản phẩm du lịch tại Việt Nam thường được hình thành và xây dựng dựa trên nền tảng cơ sở vật chất của các địa phương riêng lẻ, vì vậy nếu không có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp (DN) lữ hành với các cơ quan quản lý địa phương thì rất khó để phát triển. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành, chiến lược, quy hoạch, các chương trình, đề án, dự án đã được xây dựng khá nhiều nhưng việc triển khai còn thiếu tính đồng bộ do mục tiêu đôi khi còn dàn trải, chồng chéo lên nhau.
Ngoài ra, hiện nhiều tỉnh, thành vẫn chưa thể nhận ra sản phẩm đặc trưng du lịch của địa phương mình là gì để có thể liên kết với các vùng miền khác, tránh những sản phẩm trùng lặp. “Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk tỉnh nào cũng có lễ hội cồng chiêng. Khi hỏi là địa phương của mình có gì đặc trưng thì không ông nào trả lời được, trong khi du khách thì không biết chọn nơi nào trong các địa phương này”, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc công ty Du lịch Việt nói.
Thống kê của Hội đồng Lữ hành Du lịch Thế giới (WTTC) ước tính tại Việt Nam trong năm nay, tổng việc làm mà ngành du lịch tạo ra sẽ đạt 4,4 triệu công việc, tăng thêm 3,6% so với 2014. Trung bình mỗi năm con số này sẽ tăng 1,3% để đạt gần 5 triệu việc làm vào năm 2025. Tuy nhiên theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Việt Nam hiện vẫn giậm chân tại chỗ về chất lượng nhân lực của ngành du lịch đối với yêu cầu về tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp và chất lượng phục vụ.
Cần có những sản phẩm du lịch khác biệt để thu hút du khách.
Nâng chất dịch vụ tour: Nan giải
Nhằm khắc phục dần các nhược điểm của ngành du lịch trong nước, mới đây, Thời báo kinh tế Sài Gòn đã tổ chức sự kiện bàn tròn doanh nghiệp với chủ đề “Vai trò của lữ hành trong cải thiện chất lượng dịch vụ tour”. Tại đây, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours đã nêu ra một vấn đề khá thời sự có liên quan đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ tour nhằm cải thiện tình trạng thu hút du khách hiện nay.
Thiết kế tour hiện là khâu yếu nhất của du lịch Việt Nam, lẽ ra phải có chuyên ngành riêng thì hiện nay chỉ dạy qua loa chừng 30-45 tiết. Chưa kể chất lượng giáo viên, thừa bằng cấp nhưng thiếu nghề, thiếu thực tế.
“Chính con người đẻ ra cơ chế, cơ chế lại quyết định con người. Du lịch Việt Nam thua xa thiên hạ là do con người, nhất là ở khâu tư duy ở cấp quản lý vĩ mô”, ông Mỹ nói. Vì vậy, trong khi chờ đợi sự thay đổi vĩ mô và các hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò thì trong ngành phải tự cứu lấy nhau. Các doanh nghiệp lữ hành nhất thiết phải liên kết theo hướng “win-win”, sau đó là mối quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là lưu trú và vận chuyển.
Hướng dẫn viên cũng đang là vấn nạn. Họ được xem là “quyền giám đốc công ty trên tour”, là “nhân viên ngành ngoại giao”, “người cung cấp kiến thức, thông tin, thời sự”... nhưng chất lượng đào tạo rất kém.
Sau cùng, khách hàng cũng phải nhìn lại mình. Cụ thể, chính sự dễ dãi, ham rẻ lại là mảnh đất màu mỡ cho việc chèn ép, chặt chém và lừa đảo du khách. Khách hàng cần phải nâng mình thành những người thông minh. Chính sự nghiêm khắc và kiên quyết của khách hàng sẽ hạn chế cách làm chụp giựt, góp sức cho du lịch Việt Nam phát triển.
Ông Mỹ nhấn mạnh, du khách không cần làm vua, cũng không cần làm thượng đế, mà chỉ cần được tôn trọng. Mỗi doanh nghiệp lữ hành là một đội bóng, mỗi nhân viên ngành du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên, nếu làm việc hết lòng và hết mình như các vận động viên thể thao Việt Nam trong SEA Games 28 vừa qua, du lịch Việt Nam sẽ hiên ngang ở vị trí thứ 3 như thể thao chứ không “đứng ở tốp cuối ASEAN” như hiện nay và đang bị Lào và Campuchia “hăm he” qua mặt.
Các quốc gia châu Âu đang dành khoảng 70-100 triệu USD hàng năm cho marketing du lịch. Các quốc gia châu Á như Malaysia với 98,2 triệu USD, Thái Lan khoảng 80 triệu USD. Trong khi đó ngân sách dành cho quảng bá du lịch Việt Nam hàng năm chỉ khoảng 2-3 triệu USD. Đây là khó khăn lớn trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh và tiếp thị điểm đến cho du lịch Việt Nam. |