Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi dự kiến sơ tán gần 300.000 người để ứng phó với đợt mưa lớn cực đoan trong những ngày tới. Trước diễn biến này, nhiều địa phương cũng đã cấm biển.
Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ chiều 6/10 nhiều phương án đối phó với đợt mưa lớn cực đoan trong những ngày tới đã được đưa ra.
Theo đó, các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân để ứng phó với thiên tai, phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Các địa phương dự kiến sơ tán hơn 71.500 hộ dân, tương ứng khoảng 290.600 người dân khu vực ven biển.
Đồng thời, lực lượng chức năng đã rà soát những người trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như chuẩn bị biện pháp y tế phù hợp để an toàn với dịch bệnh.
Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết các tỉnh miền Trung chuẩn bị đối mặt với đợt mưa lớn do ảnh hưởng của nhiều hình thái cực đoan.
Trước mắt, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông khả năng mạnh thành bão trong vòng 24-36 giờ tới, sau khi di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa. Khi vào gần bờ, hình thái này di chuyển chậm hơn, đi chếch theo hướng tây tây bắc và tiến thẳng vào đất liền khu vực giữa Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
"Áp thấp nhiệt đới sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong các ngày 6/10 đến 8/10. Lượng mưa trong đợt này Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum có nơi lên tới 500-600 mm", ông Khiêm đưa ra dự báo.
Ngày 9-12/10, tác động hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp của không khí lạnh, vùng mưa mở rộng ra Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Chuyên gia cảnh báo khu vực này có thể hứng chịu lượng mưa tương đối lớn trong những ngày tới.
Với kịch bản mưa này, ông Khiêm cho biết lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có thể lên trên báo động 2, có nơi trên báo động 3.
Chuyên gia đưa ra cảnh báo tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai, 56 huyện có thể ngập lụt và 72 khu vực thuộc nguy cơ sạt lở, lũ quét thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết không chỉ chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, miền Trung khả năng hứng chịu chuỗi thiên tai nguy hiểm thời gian tới. Những hình thái nguy hiểm khả năng tác động, gây thêm những đợt mưa lũ lớn dọc các tỉnh miền Trung.
Trước mắt, ông Hoài đề nghị các địa phương khẩn trương kêu gọi số tàu thuyền còn hoạt động ở khu vực nguy hiểm nhanh chóng di chuyển, tránh trú vào nơi an toàn.
Với các tàu của Quảng Nam còn đang neo dù ở trên biển, địa phương phải ngay lập tức đôn đốc trưởng tàu thoát khỏi khu vực này.
"Có tình trạng chủ quan do áp thấp nhiệt đới hoặc bão nhỏ mà tàu thuyền không chịu đi neo đậu, vì vậy các địa phương cần tăng cường trang thiết bị để chuẩn bị ứng phó, cứu hộ", ông Hoài nói và cho biết có những đợt thiên tai không lớn nhưng vẫn rất vất vả trong việc cứu hộ, cứu nạn.
Từ tối nay (6/10), bộ đội biên phòng tăng cường việc bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền, đồng thời địa phương chủ động phương án cấm biển tùy vào tình hình.