Giáo dục

Dự kiến nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học từ 5 đến 10%

Minh Anh 15/08/2023 - 10:52

Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Bộ trưởng cho biết dự kiến cùng Bộ Nội Vụ, các ban ngành liên quan cân nhắc khả năng sẽ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên tiểu học là 5%, giáo viên mầm non là 10%.

Tham dự chương trình có các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Chương trình còn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các phòng GD&ĐT.

ntd_0272.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cục trưởng CNGCBQLGD Vũ Minh Đức chủ trì chương trình.

Đến dự và đưa tin buổi gặp gỡ có sự tham gia của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí địa phương, trung ương. Đặc biệt là sự tham dự trực tuyến kết hợp trực tiếp của 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông tham dự chương trình.

Chương trình do Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.

Trước những tâm tư, phát biểu của giáo viên tại các điểm cầu, chủ yếu là về những khó khăn, vất vả của giáo dục mầm non. Các thầy, cô cũng đã đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng về chế độ, chính sách.

Trả lời những thắc mắc trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Những ý kiến, tâm tư của các thầy cô giáo đều đề cập thẳng thắn, thiết thực đến vấn đề chế độ của giáo viên mầm non. Lãnh đạo Bộ thấu hiểu và chia sẻ với các thầy cô giáo đang công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Phải công nhận đây là một ngành đặc thù và nhiều nặng nhọc.

nvm_5755-min.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trước những ý kiến của các giáo viên mầm non.

Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có sự quan tâm sát sao đến các thầy cô giáo trong lĩnh vực này. Thông qua những chính sách ưu tiên: lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp theo thâm niên công tác. Với giáo viên ở vùng sâu vùng xa còn có những phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu công tác... 

Tuy nhiên, với nhiều chính sách như vậy, nhưng tổng lại lương giáo viên mầm non vẫn là thấp so với mặt bằng thu nhập. Đặc biệt so với công sức của các thầy cô đã bỏ ra là chưa tương xứng.

Lãnh đạo Bộ trong nhiều diễn đàn, trong các cuộc làm việc với Bộ, ngành đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành để họp bàn phương án giải quyết.

Trước hết, cân nhắc khả năng để nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và giáo viên bậc tiểu học. Sau đó Bộ sẽ cũng có những kiến nghị đến các cấp bậc khác như THCS, THPT và cả đại học. Bước đầu, Bộ GD&ĐT cũng đã thống nhất với Bộ Nội vụ về dự kiến sẽ tăng 5% mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên cấp học Tiểu học và tăng 10% mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Hiện tại, cần phải có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó sẽ thông qua Chính phủ và các cơ quan chức năng để có thể đi vào thực hiện.

Tuy đây là điều chỉnh nhỏ, nhưng hy vọng sẽ góp thêm phần nào vào sự động viên, bù đắp cho các thầy cô. Đặc biệt, với ngành giáo dục số lượng người hưởng lương, số lượng công chức, viên chức chiếm tới 70% trên cả nước. Vì vậy, mỗi một chính sách, điều chỉnh dù chỉ rất nhỏ nhưng phải có sự tính toán nguồn lực, các điều kiện phải thực hiện hết sức nghiêm túc, hợp lý và từng bước."

Về việc các thầy cô giáo phải dành quá nhiều thời gian ở trên trường, lớp và ít, không có điều kiện nâng cao nghiệp vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời:

"Đây là một thực tế khiến nhiều người ngại ứng tuyển vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non. Một số tỉnh, địa phương đã có những giải pháp như huy động nguồn lực xã hội đóng góp, hỗ trợ cho số giờ làm việc buổi trưa, ngoài giờ cho giáo viên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn thiếu những quy định, những hành lang pháp lý đầy đủ để bù đắp cho điều này. Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục lưu ý đến chính sách này.

Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết: Hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong Diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD&ĐT nêu kiến nghị.

nvm_5763-min.jpg
Chương trình có sự tham dự trực tuyến kết hợp trực tiếp của 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông.

Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học - theo Bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Nếu thời gian tới sắp xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, có thể là dịp điều chỉnh cho các đối tượng này.

Về ý kiến đề cập định mức giáo viên trên lớp, Bộ trưởng cho biết: Khi chúng ta thực hiện Chương trình GDPT 2018, số môn học được điều chỉnh, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, hoạt động nhà giáo trong nhà trường có nhiều đổi mới, đương nhiên chúng ta cần điều chỉnh về định mức giáo viên/lớp và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục. Hiện, Bộ GD&ĐT đang chủ trì sửa đổi Thông tư 16 liên quan đến vấn đề này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học từ 5 đến 10%