Thị trường những phiên gần đây có dấu hiệu suy giảm cả về thanh khoản và điểm số, nhóm cổ phiếu đầu cơ và giá thấp tăng nóng trước đó cũng cho tín hiệu chốt lời.
Thông tin hỗ trợ thị trường lúc này không nhiều. Vì vậy, việc quỹ ETF công bố đảo danh mục lần cuối của năm 2013 vào chiều ngày thứ sáu (06/12) đang được chú ý.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 30/11, với việc loại IJC và PVF hợp nhất với Ngân hàng Phương Tây nên cũng không còn nằm trong rổ tính FTSE Vietnam Index. Hiện chỉ số chỉ còn lại 21 mã cổ phiếu Việt Nam. Các cổ phiếu trong rổ này đều là những cổ phiếu vốn hóa lớn, mang tính dẫn dắt chính vì vậy, biến động tại các cổ phiếu này có thể làm thay đổi thị trường và tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Sau khi ETF hoàn thành đợt đảo danh mục lần trước, vào ngày 23/09, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều gia tăng lần lượt 6.41% và 10.17% lên mức 507.78 điểm và 65.19 điểm qua 50 phiên giao dịch tính đến cuối tháng 11. Cũng trong giai đoạn này, khối ngoại mua ròng 55.34 triệu đơn vị trên HOSE và gần 41 triệu đơn vị trên HNX, tương ứng 1,462 tỷ đồng và 289.5 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng 21 cổ phiếu trong rổ tính FTSE Vietnam Index thì khối ngoại đã mua ròng gần 1,200 tỷ đồng. Khối ngoại mua vào nhiều nhất ở VCB, với hơn 11 triệu đơn vị nhưng bán ra chỉ gần 4.2 triệu đơn vị, đưa VCB vào vị thế được mua ròng hơn 6.9 triệu đơn vị, tương ứng 198 tỷ đồng. Bên cạnh VCB, 17 cổ phiếu khác trong rổ tính FTSE Vietnam Index cũng được khối ngoại mua ròng nâng giá trị tổng cộng mua ròng của 18 cổ phiếu này đạt gần 1,297 tỷ đồng.
Xét chung giao dịch toàn thị trường, trong top 20 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên HOSE, ngoại trừ những cổ phiếu đang thuộc rổ tính FTSE Vietnam Index thì một số cổ phiếu khác như SII, CTG, PHR, FCN, IJC, BCI, CTD, SSI cũng được mua vào đáng kể. Trong đó, SII được khối ngoại mua ròng với giá trị hơn 119 tỷ đồng. Thấp nhất trong nhóm này là SSI với giá trị mua ròng gần 19.6 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng do một số yếu tố tích cực từ thị trường trong nước như chỉ số PMI sản xuất được duy trì trên ngưỡng 50 điểm, lạm phát thấp và hàng loạt những nhận định của các tổ chức nước ngoài như EIU, Ernst & Young, Grant Thornton Việt Nam, … về triển vọng khả quan của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin quốc tế như việc giữ nguyên gói QE3, tích cực trong tiến trình hội nhập TPP, … cũng là những yếu tố không nhỏ giúp giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư ngoại với thị trường.
Việc mua ròng của khối ngoại tại các mã cổ phiếu này cùng tâm lý tích cực của nhà đầu tư nội đã làm giá của các cổ phiếu có những biến động nhất định. Theo đó, trong số 21 mã trong rổ FTSE thì có đến 18 mã tăng giá so với ngày 23/09, tăng mạnh nhất là DIG với 35.25% lên mức 12,200 đồng/cp tính đến 30/11. 3 cổ phiếu là STB, DRC và DPM tuy suy giảm nhưng mức giảm cũng không đáng kể. Giảm mạnh nhất là DPM cũng chỉ 3.37% về mức 41,500 đồng/cp.
Chuyên gia nói gì?
Nhận định về lần đảo danh mục cuối năm 2013 của FTSE Vietnam Index, anh Trần Minh Hoàng – Chuyên viên phân tích tại CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, danh mục rổ tính FTSE Vietnam Index sẽ có biến động nhưng không như hồi tháng 9. Theo như tính toán của VCBS, nhiều khả năng PVT sẽ được thêm vào, ở chiều ngược lại, sẽ không có cổ phiếu nào bị loại ra. Trong đó, FTSE có thể sẽ mua vào khoảng 6.5 triệu đơn vị PVT và bán ra khoảng 12 triệu SHB. Tuy nhiên, theo ông nhận định, việc bán ra 12 triệu SHB không ảnh hưởng nhiều do quá nhỏ so với số cổ phiếu SHB đang lưu hành.
Tương tự VCBS, CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) cũng nhận định PVT sẽ vào danh mục kỳ này với tỷ trọng 1.8%. Bên cạnh đó, BSC cũng đưa ra lưu ý với mã IJC, bởi kỳ trước IJC bị điều chỉnh freefloat từ 49% xuống 22% khiến cổ phiếu bị loại ra khỏi rổ, nếu có sự điều chỉnh tăng freefloat trở lại thì cổ phiếu sẽ trở lại danh mục với tỷ trọng 1.5%.
Về tỷ trọng danh mục, BSC dự đoán hầu hết các mã đều suy giảm tỷ trọng nhưng chỉ ở mức thấp, giảm đáng kể chỉ ở MSN, HPG, HAG, VCB, trong khi đó PVD, STB và SBT là những mã được dự đoán tăng tỷ trọng.
Dường như trong đợt đảo danh mục cuối năm, giữa các công ty chứng khoán cũng đã có được sự tương đồng khi CTCP FPT (FPTS) cũng cho rằng PVT sẽ vào rổ danh mục của FTSE và công ty này cũng dự phòng thêm mã EIB, MBB có thể sẽ được thêm vào và không có mã nào bị loại.
Biểu đồ biến động của PVT trong thời gian từ 23/09 đến 04/12 |
Các công ty chứng khoán cùng chung ý kiến, việc cơ cấu không có tác động đến thị trường lâu dài mà chỉ mang tính cũng cố, thu hút dòng tiền và tạo thanh khoản cho thị trường.
Duy Hoàng