Ngân hàng thế giới (WB) đã đánh giá GDP của Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018).
Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho thấy, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang được thực hiện. Tăng trưởng cao dẫn đến tạo việc làm, tăng thu nhập, đem lại những thành quả chung về phúc lợi và giảm nghèo.
WB dự báo tăng trưởng GDP 2018 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8%
WB đánh giá triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018), trước khi chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020 do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ.
Tuy nhiên WB cũng nhìn nhận vẫn tồn tại những rủi ro trong, ngoài nước và những thách thức dài hạn. Đó là rủi ro về biến động tài chính toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, bên cạnh nguy cơ dễ tổn thương trong nước do những yếu kém còn tồn tại trong khu vực ngân hàng, nợ công tăng cao trong khi dư địa tài khóa hạn chế và tăng trưởng năng suất chững lại.
Về tình hình kinh tế Việt Nam 2018, WB phân tích: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt ở cả ngành chế tạo chế biến, nông nghiệp, dịch vụ...
GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân. Các chính sách kinh tế của Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách theo định hướng thị trường nhằm giảm dần vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục mở cửa kinh tế để thu hút đầu tư tư nhân.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất được mở rộng, chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Nhờ cán cân thanh toán thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục – ước khoảng 64 tỷ USD vào đầu tháng 6/2018. Trong điều kiện áp lực lạm phát vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục được cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô...
Trước đó, tại cuộc báo thường kỳ của Chính phủ chiều 1/10, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết kết quả phát triển kinh tế xã hội 9 tháng qua rất đáng khích lệ, đặc biệt là nếu Quý 4 vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan như các quý vừa qua, khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2018 hoàn toàn khả thi đạt vượt mức 6,7% như mục tiêu đề ra. Đặc biệt, 9 tháng qua, đã có 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 đạt kết quả vượt chỉ tiêu, và 4/12 chỉ tiêu đạt. Dự báo sẽ có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch của 5 năm.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục đà tích cực. GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011. Trong đó, cả 3 khu vực đều tăng cao: Nông nghiệp tăng 3,65%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, dịch vụ tăng 6,89%. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%, dự kiến sẽ kiểm soát được chỉ số CPI theo chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI tăng 14,6%.