Dự án Rusalka (Khánh Hòa): Bao giờ “nàng tiên cá” hồi sinh?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định phương án thanh lý Dự án Rusalka: “Về việc chưa thống nhất công nợ giữa nhà đầu tư cũ và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đề nghị các bên xử lý theo quy định pháp luật”.

Dự án đình đám

Trước đó, khi xem xét lựa chọn Công ty CP Du lịch trọng điểm Nha Trang (Focus Travel) - nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Rusalka, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhà đầu tư này là pháp nhân mới được thành lập trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, được Thủ tướng đồng ý.

Tiêu chuẩn để lựa chọn nhà đầu tư mới được thực hiện theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2005. Ngoài ra, nhà đầu tư mới phải cam kết thừa kế tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm công nợ của nhà đầu tư cũ là Công ty Đầu tư - Phát triển du lịch Rus Inves Tus (R.I.T); cam kết tiến độ thực hiện dự án và giải trình khả năng tài chính thực hiện dự án, việc cam kết tiến độ dự án được thực hiện theo hình thức ký quỹ hoặc bảo lãnh của ngân hàng với số tiền 10 tỷ đồng, khi nhà đầu tư thực hiện không đúng cam kết thì số tiền đó được thu nộp ngân sách tỉnh Khánh Hòa.

Một góc dự án Rusalka Khánh Hòa

Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Rusalka do R.I.T làm chủ đầu tư trên khu đất ven biển phía Bắc Nha Trang với diện tích 43,8ha được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép từ năm 2000 với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD.

Về dự án đình đám này, cuối tháng 6-2005, các cơ quan bảo về pháp luật đã khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty R.I.T để phục vụ điều tra, kê biên toàn bộ Dự án Rusalka. Theo đề xuất của cơ quan điều tra, giấy phép đầu tư Dự án Rusalka cũng bị Bộ KH&ĐT thu hồi, Dự án Rusalka bị bỏ dở dang từ đó. Sau khi được trả tự do vào đầu năm 2010, ông Nguyễn Đức Chi đã đề nghị khôi phục dự án.

Tại quyết định ngày 1-4-2010, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy bỏ lệnh kê biên tài sản Dự án Rusalka. Về quyền sở hữu đối với tài sản Dự án Rusalka, theo quyết định giám đốc thẩm của TANDTC thì tài sản Dự án Rusalka “bị kê biên trong vụ án” và “đã được hủy bỏ biện pháp kê biên” là tài sản của ông Nguyễn Đức Chi.

Chỉ đạo của Thủ tướng

Ngày 1-10-2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý Dự án Rusalka theo hướng “thành lập doanh nghiệp mới, dự án mới để tiếp tục đầu tư trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ”. Đến ngày 29-6-2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thanh lý Dự án Rusalka và giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại liên quan tài sản. Ông Nguyễn Đức Chi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới Bộ KH&ĐT đề nghị phục hồi hiệu lực của giấy phép đầu tư đã cấp năm 2000 cho Dự án Rusalka.

Tháng 4-2010, ông Nguyễn Đức Chi có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, đồng ý chuyển giao tài sản Dự án Rusalka, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan tới khối tài sản này cho Công ty CP Du lịch trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) là pháp nhân mới sẽ được thành lập trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ theo như đề xuất của Bộ KH&ĐT. Vì thế, ngày 27-10-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra thông báo về “Kết luận của UBND tỉnh về thanh lý Dự án Rusalka và triển khai các bước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, nêu rõ: Lựa chọn Công ty CP Du lịch trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) là nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện Dự án Rusalka.

Kết luận về việc thanh lý Dự án Rusalka và đề xuất hướng giải quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Về việc chưa thống nhất công nợ giữa nhà đầu tư cũ và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đề nghị các bên xử lý theo quy định pháp luật”.

Không phải là quan hệ hành chính

Liên quan đến Dự án Rusalka, ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC) đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ khiếu nại quyết định “lựa chọn chủ đầu tư mới và triển khai các bước tiếp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Luật sư Tạ Ngọc Sơn, giám đốc Công ty Luật Kosy Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 69 Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2005 thì việc thanh lý dự án đầu tư do nhà đầu tư thực hiện, không có cơ chế nhà nước đứng ra thanh lý. Việc thanh lý phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư bị rút giấy phép đầu tư. Bộ KH&ĐT rút Giấy phép đầu tư Dự án Rusalka năm 2006, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan, việc thanh lý lúc đó không được thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo cho phép thành lập pháp nhân mới trên cơ sở khối tài sản còn lại của Dự án Rusalka để tiếp tục đầu tư dự án như là dự án mới nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tránh tổn thất về tài sản không đáng có.

Luật sư Sơn nhấn mạnh: Quan hệ giữa Công ty BMC và các nhà thầu có với Công ty R.I.T là quan hệ phát sinh trên cơ sở hợp đồng kinh tế, dân sự; hoàn toàn không phải là mối quan hệ hành chính. Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa các bên không thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính, mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của BLTTDS.

Đức Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Rusalka (Khánh Hòa): Bao giờ “nàng tiên cá” hồi sinh?