Chiều ngày 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trình bày Tờ trình về dự án Luật TTHC (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Trình bày trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp đã được quán triệt trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; cụ thể là: “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án”. Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo nêu trên, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, hướng đến mục tiêu bảo đảm việc giải quyết các khiếu kiện hành chính tại TAND được tiến hành dân chủ, công bằng, công khai; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm tranh tụng trong xét xử để TAND thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật TTHC (sửa đổi)
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi gồm 22 chương, 340 điều. So với Luật TTHC hiện hành, dự thảo Luật (sửa đổi) tăng thêm 75 điều, trong đó giữ nguyên 122 điều, sửa đổi, bổ sung 142 điều và bổ sung 76 điều mới sẽ khắc phục những điểm hạn chế của Luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu xét xử hiện nay.
Nên giao thẩm quyền giải quyết án hành chính cho Tòa cấp tỉnh
Chánh án Trương Hòa Bình cũng đã trình bày một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Cụ thể, về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, hiện có nhiều ý kiến khác nhau, song TANDTC đồng tình với các ý kiến cho rằng, Luật TTHC được ban hành năm 2010 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính. Vì vậy, cần giữ như quy định hiện hành, nhưng cần quy định việc loại trừ cả quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND để bảo đảm tính khả thi. Dự thảo Luật cũng đã quy định theo hướng này.
UBTP tán thành và đề nghị không quy định chi tiết, cụ thể danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao trong Luật TTHC (sửa đổi) mà quy định trong các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, ngoại giao; loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo Luật. Đa số ý kiến của UBTP cũng tán thành với việc loại trừ việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND ra Tòa Hành chính.
Về phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự thảo Luật quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.
Khi thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến UBTP không tán thành vì cho rằng, quy định như vậy không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện; không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.
Tuy nhiên, theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, quan điểm của TANDTC cho rằng: Việc giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện và của UBND cấp huyện, đặc biệt là các quyết định có liên quan đến đất đai là loại việc khó, đòi hỏi phải có Thẩm phán chuyên trách chuyên sâu thì việc giải quyết mới hiệu quả; trong khi đó, theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì ở các TAND cấp huyện không có Toà Hành chính chuyên trách như ở TAND cấp tỉnh nên chưa có Thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ án hành chính.
Mặt khác, theo số liệu thống kê việc giải quyết các vụ án hành chính những năm gần đây cho thấy, trung bình hàng năm, các TAND cấp tỉnh thụ lý, giải quyết từ 700 đến 800 vụ; các TAND cấp huyện thụ lý, giải quyết khoảng 4.500 vụ/năm, trong đó các khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai chiếm khoảng 80%, tương ứng với 3.600 vụ. Nếu giao cho Toà án cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì trung bình mỗi năm, Toà án cấp tỉnh sẽ giải quyết thêm khoảng 60 vụ/năm. Như vậy là không gây quá tải nếu giao việc giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện cho Toà án cấp tỉnh giải quyết.
Vì vậy, TANDTC đề nghị giao việc giải quyết theo trình tự sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện cho TAND cấp tỉnh như dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng giải quyết các khiếu kiện hành chính, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Địa vị pháp lý của VKS nên giữ như quy định hiện hành
Về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, nhiều ý kiến đề nghị quy định chương riêng về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính ngay trong Luật TTHC. Tuy nhiên, chỉ quy định những hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính mới bị xử lý và hình thức xử lý đối với người vi phạm, còn trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt do UBTVQH hoặc TANDTC quy định cụ thể.
TANDTC nhất trí với loại ý kiến này. Tuy nhiên, đối với việc quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt thì TANDTC đưa ra hai phương án để lựa chọn, gồm: Do UBTVQH quy định và phương án hai là do TANDTC quy định.
UBTP tán thành với ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND, nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND và bị xử lý hành chính cũng như hình thức xử lý, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật”. Còn trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt… UBTP đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không giao cho UBTVQH hoặc TANDTC quy định như các phương án nêu trên. Đồng thời, UBTP đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các hành vi nêu tại Chương XX dự thảo Luật, bảo đảm xác định đúng hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án.
UBTP cũng tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn và điều kiện áp dụng thủ tục trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về các trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn; bản án quyết định theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy và giao hồ sơ cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm giải quyết lại vụ án, thì trường hợp nào tiếp tục được áp dụng thủ tục rút gọn? Trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục thông thường?
Về địa vị pháp lý của VKS trong tố tụng hành chính, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về địa vị pháp lý của VKS trong tố tụng hành chính, tức là VKS là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, Viện trưởng VKS, kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng hành chính trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm khi kháng nghị bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính và tham gia, phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án tại phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Riêng trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, VKS chỉ có vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính, VKS không giữ chức năng công tố nên kiểm sát viên không phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án hành chính. TANDTC cũng tán thành với quan điểm nêu trên.
Ngoài những nội dung trên, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã trình bày các nội dung liên quan đến việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ và vấn đề thi hành án hành chính trong dự thảo Luật.