Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến

Quốc Huy| 19/11/2019 18:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hồ sơ dự án luật được TANDTC chuẩn bị công phu, đã tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật tổng kết việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại ở Tòa án 16 tỉnh, thành với kết quả khả quan… đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với những nhận định như trên.

Cần thiết phải ban hành luật

Theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, quá trình thẩm tra, đa số các thành viên trong Ủy ban đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã được TANDTC chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật. Tòa án đã tổng kết việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá tác động; lấy ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan; tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm; tham khảo kinh nghiệm pháp luật một số nước để hoàn thiện dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt trên 78% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Do đó, UBTP tán thành với TANDTC về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

UBTP nhận thấy, để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, cũng như các nước trên thế giới, pháp luật nước ta được hoàn thiện theo hướng tạo mọi điều kiện để các bên tiến hành hòa giải, đối thoại đi đến thống nhất việc giải quyết tranh chấp. Theo đó, cơ chế hòa giải, đối thoại hiện đang được quy định trong 09 đạo luật, gồm: Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật Khiếu nại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC).

Nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Việt Nam là thành viên.

Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đôi thoại tại Tòa án.

Cơ chế ưu việt, tiết kiệm chi phí

Liên quan đến một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, như kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trước đó trình bày trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Hiện có hai luồng quan điểm khác nhau, nhưng Tòa án đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, đó là: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chưa quy định việc thu loại phí này. Quy định như vậy thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội; đồng thời, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho hay, quá trình thẩm tra, đa số các ý kiến đánh giá cơ chế hòa giải, đối thoại này có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội.

Theo Báo cáo của TANDTC, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định thu một khoản phí đối với 02 trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Nếu lựa chọn theo phương án này thì phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (vì hiện nay Luật phí và lệ phí năm 2015 chưa có quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong Danh mục phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của UBTVQH chưa có quy định về trình tự, thủ tục, mức thu, miễn, giảm, nộp phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án), bà Nga cho hay.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên, tại Điều 9 dự thảo Luật quy định: Ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì những người là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Tán thành với quy định này, các thành viên UBTP cho rằng, đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi Hòa giải viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Thực tiễn thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, hầu hết đội ngũ Hòa giải viên là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thanh tra viên đã nghỉ hưu, các Luật sư, chuyên gia có nhiều năm làm công tác pháp luật nên đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt cao vừa qua (78,08%) và đến nay chưa có vụ việc nào các đương sự đề nghị xem xét lại.

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định đối với Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác để được bổ nhiệm làm Hòa giải viên phải có điều kiện về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác nhưng chỉ nên quy định là 05 năm.

Tương tự, với thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, UBTP cho rằng cần  quy định theo hướng vừa tạo sự thuận lợi cho các bên, nhưng vừa phải bảo đảm chặt chẽ vì quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành có giá trị như bản án, có hiệu lực thi hành ngay khi được Tòa án công nhận. Đồng thời, quy định rõ thời gian tổ chức phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không tính vào thời gian 20 ngày của thời hạn hòa giải, đối thoại nêu trên để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến