Dự án đường Vành đai 3: Ưu tiên đặc biệt để hoàn thành vào 2025

Bình Nguyên| 06/06/2022 15:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 6/6, sau khi nghe Chính phủ trình bày về chủ trương đầu tư hai dự án: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về hai dự án này.

Đường Vành đai 3- huyết mạch giao thông TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng, quy hoạch Vành đai 3 có từ năm 2011, nếu triển khai ngay sau khi có quy hoạch, chắc chắn chi phí GPMB sẽ giảm 1/10 so với bây giờ. Dự án đường Vành đai 3 được triển khai sớm hoàn thành sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là vùng trọng điểm phía Nam giải quyết điểm nghẽn về giao thông, đồng thời mở ra tuyến giao thông chiến lược.

phan-van-mai.jpg
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu thảo luận tại tổ.

Nếu có Vành đai 3 thì việc “xuyên tâm” TP.Hồ Chí Minh và một số vị trí trên các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết; tạo ra dòng lưu thông thông suốt hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistic. Việc hoàn thiện Vành đai 3 không chỉ là vấn đề giao thông, mà là kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.

Về tổng mức đầu tư, có nhiều ý kiến so sánh, dự án đườmg Vành đại 3 tổng mức đầu tư cao, chi phí giải phóng mặt bằng cao... Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh lý giải, mỗi đường có vị trí khác nhau, chi phí cũng sẽ khác nhau. Việc đô thị hoá, phát triển công nghiệp đi theo quy hoạch, mật độ dân cư đông…nên chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn rất nhiều so với những địa bàn khác, đặc biệt là địa bàn chỉ giải phóng đất nông nghiệp.

Đối với ngân sách địa phương, các địa phương phải tiến hành điều chỉnh kế hoạch trung hạn đầu tư công 2021-2025. Đây là việc khó khăn, nhưng các địa phương đã thông qua HĐND một bước, tại kỳ họp giữa năm hoặc các kỳ họp chuyên đề trong năm sẽ tiến hành điều chỉnh làm sao để bảo đảm cân đối vốn cho dự án, ông Mãi cho biết.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, không chỉ cân đối đủ vốn mà còn bảo đảm tiến độ giải ngân, đây là yêu cầu của UBTVQH. Các địa phương đã có phương án, trong 50% hoặc 25%, từng năm sử dụng bao nhiêu sẽ có kế hoạch và có phân bổ vốn. Nếu thời gian thực hiện dự án, tổng mức đầu tư tăng thì phần đó do ngân sách địa phương chịu. Chúng tôi đã trao đổi với các địa phương, thống nhất cố gắng không để tăng tổng mức. trường hợp buộc phải tăng tổng mức thì địa phương tính toán cân đối.

Cũng đến từ TP Hồ Chí Minh, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay, hai dự án này đã được thông qua ở rất nhiều cấp, đã trễ hạn rồi nên chúng ta đều rất phấn khởi khi nó được đưa vào chủ trương đầu tư và sắp tới đây Quốc hội sẽ thông qua. Trên tinh thần đầu tư vì lợi ích chung nên mong các ĐBQH cũng như tầng lớp nhân dân, trong đó có truyền thông ủng hộ để chủ trương này được thông qua, đại biểu nhấn mạnh.

Các dự án hạ tầng, kinh nghiệm đã trải qua cho thấy dễ có chuyện về chất lượng, bị lãng phí, xử lý lợi ích của người dân trong các vụ đền bù, giải toả, đó là bài toán khó của chúng ta cho đến nay.

Hai dự án này, cũng như các dự án hạ tầng khác không thể thiếu được sự hỗ trợ, chỉ đạo sâu xát, giúp đỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành. Mong các địa phương rốt ráo trong việc đền bù, giải toả, cố gắng đảm bảo 50% ngân sách. Mong sự chuyển động của Chủ, các bộ ngành để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.

Ưu tiên đặc biệt

Cho ý kiến về các dự án này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, 5 dự án vừa được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành tới 3 phiên làm việc (11,12/5 và 4/6) để quyết định các yếu tố thành phần về vốn để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội. 5 dự án cao tốc được bàn thảo rất kỹ, tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp.

v-d-h.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều chơ chế đặc thù khác với luật hiện hành. Đơn cử như Luật Ngân sách không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, còn đường song hành thuộc trách nhiệm địa phương, nhưng trong điều kiện hiện nay xin Quốc hội chấp thuận cho sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện vì “tình huống đặc biệt cần giải pháp đặc biệt”.

Riêng hai đường Vành đai 3 và Vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương tương ứng với đoạn địa qua địa bàn, còn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đầu mối. Tuy vậy, Chính phủ cũng phải làm rõ khái niệm và trách nhiệm của đầu mối. Còn với các dự án cao tốc, có đoạn nằm trên cả 2 tỉnh giáp ranh thì quyết định giao Bộ GTVT phụ trách.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Luật Xây dựng không cho phép tách dự án kiểu này, chỉ cho phép lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập, kể cả tiểu dự án. Tuy vậy, giai đoạn này không quá máy móc, nên đã thống nhất xin Quốc hội cho cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hoá được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ luỵ xấu, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm.

Trước ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường Vành đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, không nên đặt ra vấn đề này,  vì Trung ương đã có nghị quyết. Quốc hội cũng yêu cầu không cho dùng vào việc khác và Chính phủ cũng đang phải rà soát các nguồn đảm bảo cải cách tiền lương, điều chỉnh lương để báo cáo.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thêm, chỉ có dự án đường Vành đai 3 được ưu tiên đặc biệt, cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành vào 2025, quyết toán đưa vào sử dụng năm 2026. Còn dự án đường Vành đai 4 và 3 dự án cao tốc chấp nhận giãn tiến độ ít nhất 1 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường Vành đai 3: Ưu tiên đặc biệt để hoàn thành vào 2025