Ngày 30/9/2015, UBND TP Hà Nội có Báo cáo dài 12 trang về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án 8B Lê Trực gửi Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung quan trọng cần báo cáo Thủ tướng nhưng Hà Nội lại “bỏ quên”.
Ngay trang đầu văn bản, UBND TP Hà Nội báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, việc kiểm tra chấp hành các quy định quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư dự án 8B Lê Trực đã được Hà Nội thực hiện nghiêm túc, tổng hợp, rà soát, phối hợp với lãnh đạo Bộ Xây dựng và đại diện Văn phòng Chính phủ họp xem xét khách quan.
Tại trang số 3 báo cáo của Hà Nội gửi Thủ tướng có nêu: “Trên cơ sở các quy hoạch UBND thành phố phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008. Trong đó, ô đất L30 (8B Lê Trực) có chức năng: Trung tâm Thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê; Mật độ xây dựng 64%; cao 4-17 tầng".
Tuy nhiên, tại Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 5/12/2008 của UBND thành phố Hà Nội thấy rõ, văn bản này cho phép 8B Lê Trực xây dựng Cụm công trình nhà ở 4 tầng, và cụm hỗn hợp cao 17 tầng, khối đế 5 tầng, chiều cao tối đa công trình tuân thủ ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (tối đa không quá 70m).
Vậy rõ ràng, Báo cáo của Hà Nội với Thủ tướng về Quyết định 2452 nêu ở trên đã không thông tin chiều cao tối đa của công trình được phép xây dựng là 70m. Thực tế công trình 8B Lê Trực đã xây dựng với tổng chiều cao công trình 68,85m.
Cư dân mua nhà 8B Lê Trực kêu cứu tới Thanh tra Bộ Xây dựng
Dường như UBND TP Hà Nội tiếp tục thể hiện sự thiếu khách quan khi báo cáo Thủ tướng rằng: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có Công văn 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009 chấp thuận Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án với chỉ tiêu mật độ xây dựng 64% gồm: Khu nhà thấp tầng (4 tầng, không tính tầng bán hầm và áp mái) và khối công trình hỗn hợp Trung tâm Thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê (cao 17 tầng, giật cấp từ phía Lê Trực đến phía Kim Mã).
Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực cho biết, thực tế văn bản số 499/QHKT-P3 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng và Phương án thiết kế kiến trúc với quy mô công trình 20 tầng (bao gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái - tổng cộng là 20 tầng). Văn bản 499 còn yêu cầu Cty May Lê Trực xây dựng công trình đúng với chiều cao thỏa thuận của Bộ Tổng tham mưu (không quá 70m). Vậy, tại sao Hà Nội không đưa rõ nội dung công trình được phép xây dựng với chiều cao tối đa là 70m và 20 tầng (bao gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái) vào Báo cáo Thủ tướng? Vì thế đến nay, một bộ phận dư luận hoài nghi về tính khách quan của Báo cáo.
Một nội dung vô cùng quan trọng nữa có trong Công văn 499/QHKT-P3 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc mà UBND TP Hà Nội không hề đưa vào nội dung Báo cáo với Thủ tướng. Đó là, trong Công văn 499, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã đề nghị Cty May Lê Trực liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng theo Quyết định 79/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007. Tuy nhiên, nếu áp dụng điểm e, khoản 2, Điều 3, Quyết định 79 thì công trình 8B Lê Trực thuộc trường hợp không phải xin phép xây dựng.
Vậy, tại sao dự án 8B Lê Trực thuộc trường hợp không phải xin phép, Hà Nội lại yêu cầu Cty May Lê Trực làm thủ tục để cấp giấy phép? Chủ đầu tư cho rằng, cơ quan chức năng Hà Nội tự thêm một Giấy phép xây dựng trong khi pháp luật thời điểm này không yêu cầu, việc này không những làm kéo dài thời gian, tăng thêm thủ tục hành chính, tổn thất kinh tế cho doanh nghiệp, lại còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu không thêm Giấy phép xây dựng, thêm những thủ tục hành chính không đúng có lẽ doanh nghiệp đã thực hiện xong dự án ngay từ thời điểm đó. Lý ra, Báo cáo của Hà Nội phải giải thích rõ điều này với Thủ tướng Chính phủ.
Có vẻ việc UBND thành phố Hà Nội trình Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng tại dự án 8B Lê Trực đã “bỏ quên” nhiều thông tin quan trọng, là một trong những căn cứ dẫn đến ngày 3/11/2015, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo kết luận của Thủ tướng, trong đó yêu cầu chủ đầu tư trình phương án và thời hạn phá dỡ phần công trình sai phạm.
Ðiều này đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế thiệt hại nặng nề, nếu Hà Nội báo cáo đầy đủ các thông tin cho Thủ tướng Chính phủ thì hình thức xử lý có lẽ đã hoàn toàn khác.