Nhiều người gọi Bradley Manning là “tù chính trị của nước Mỹ”. Tuy nhiên, người này đang phải ra trước Tòa án binh với nguy cơ đối mặt với một bản án nặng nề vì tội danh phản quốc.
Những diễn biến mới nhất trong phiên xét xử binh nhì Bradley Manning, 24 tuổi, cho thấy anh này có nguy cơ phải ngồi tù cả đời nếu bị tuyên có tội hỗ trợ kẻ thù khi trao hàng trăm nghìn tài liệu được xếp loại mật cho WikiLeaks, trang mạng chuyên chia sẻ tài liệu trên mạng. Bản thân ông chủ của trang này cũng đang phải ngồi tù và phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang nước thứ ba, sau đó sang Mỹ.
Ở tuổi 24, Manning có khả năng phải đối mặt với bản án chung thân
Cụ thể, trong khi đang phục vụ ở Iraq trong bộ phận phân tích tình báo thì Manning bị bắt vào tháng 5-2010 và bị buộc tội chuyển hàng trăm nghìn tài liệu mật về các cuộc chiến của quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan cũng như những tài liệu ngoại giao cho Wikileaks trong khoảng thời gian từ tháng 11-2009 tới tháng 5-2010.
Trong một động thái mới nhất, Thẩm phán Tòa án quân sự Mỹ Denise Lind đã phán quyết rằng nghi can trong vụ WikiLeaks, Bradley Manning, sẽ không được trích dẫn các chứng cứ liên quan trong phiên tòa xét xử binh nhì này tội tiết lộ bí mật quốc gia. Trong phiên điều trần ở căn cứ quân sự Meade, Maryland, Thẩm phán Lind nói những gì xảy ra sau khi các hồ sơ tuyệt mật bị tiết lộ không liên quan tới việc liệu binh sĩ này có phạm tội hay không khi cung cấp những thông tin nhạy cảm “có thể” gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ, và bồi thẩm đoàn có thể “rối trí” nếu Tòa cho phép thảo luận về khả năng gây hại của các tài liệu bị tiết lộ.
Đây có thể coi là một “đòn” nặng đánh vào chiến thuật bào chữa của bên bị. Luật sư dân sự của Manning, David Coombs, đã nói trước Tòa rằng việc ngăn cản đưa ra những chứng cứ như thế khiến cho bên bị “như bị cắt mất chân”. Coombs cho rằng thân chủ của ông, trong khi tiết lộ những bí mật của chính quyền, đã lựa chọn cẩn thận các tài liệu cung cấp cho WikiLeaks để không làm hại an ninh quốc gia của Mỹ.
Trước đó, cũng chính Thẩm phán Denise Lind đã từng phán quyết rằng các Công tố viên sẽ phải nộp những báo cáo từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), Cục tình báo trung ương (CIA), Bộ Ngoại giao và Văn phòng phản gián quốc gia đánh giá về ảnh hưởng của vụ rò rỉ thông tin, và các luật sư của Manning đang hy vọng rằng những bản đánh giá này sẽ cho thấy việc tiết lộ thông tin không có ảnh hưởng gì lớn tới an ninh quốc gia và không phải là “hỗ trợ kẻ thù” như buộc tội của các Công tố viên. Tuy nhiên, có vẻ như chiến thuật bào chữa này sẽ gặp trở ngại rất lớn sau phán quyết mới nhất nói trên.
Về phía mình, quan điểm buộc tội chủ chốt của bên công tố là việc binh sĩ này đã gián tiếp cung cấp tài liệu cho "kẻ thù", tức tổ chức Al-Qaeda, khi cung cấp các thông tin cho WikiLeaks. Các Công tố viên lập luận về nguyên tắc, Manning phải biết tổ chức Al-Qaeda có thể xem những thông tin nhạy cảm được đăng trên trang WikiLeaks vì binh nhì này đã được huấn luyện công tác phân tích ở trường tình báo quân đội. Đồng thời, Công tố viên quân đội, Thiếu tá Ashden Fein, gọi cáo buộc của bên bị rằng chính quyền đang “ngồi xổm trên đống chứng cứ” có thể có ích cho Manning là “nực cười” và nói “bên bị cáo đã coi thường sự phức tạp của vụ việc này”, vốn bao gồm hàng trăm nghìn tài liệu khác nhau.
Ngoài việc phải đối mặt với cáo buộc tại Tòa, binh nhì này còn phải đương đầu với sức ép từ những người đứng đầu nước Mỹ. Bản thân Tổng thống Mỹ Obama đã công khai lên tiếng cáo buộc tội lỗi của Manning, Các thành viên cấp cao khác trong Chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton và người đứng đầu quân đội, đô đốc Mike Mullen, cũng đã đưa ra nhận xét bất lợi cho bị cáo.
Hải Yến (theo Reuters)