Ngày 3/6, theo UBND tỉnh Đồng Nai, đơn vị vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.
Theo số liệu của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 657 người mắc bệnh. Trong đó, vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất xảy ra tại TP. Long Khánh, làm 547 người mắc bệnh.
Trong đó, đáng tiếc là trường hợp bé T.G.H. (5 tuổi), ngụ phường Xuân Hòa, TP. Long Khánh, bị ngộ độc thực phẩm nặng nhất sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Cô Băng (TP. Long Khánh), tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM vào ngày 3/6, sau gần 1 tháng được điều trị tích cực.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo công tác ATTP.
Cụ thể, Sở Y tế được giao chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm về ATTP. Chú trọng kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp, bệnh viện…; đồng thời, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo được giao chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo ATTP; kiểm tra, hướng dẫn việc bảo đảm ATTP đối với bếp ăn bán trú, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trong trường học.
Cục Quản lý thị trường tỉnh được giao chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra ATTP; phòng, chống các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm giả, gian lận thương mại không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường, phụ gia thực phẩm, dụng cụ bao gói chứa đựng thực phẩm…
Công an tỉnh được giao tăng cường chỉ đạo điều tra, đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, kém chất lượng và thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên địa bàn tỉnh; điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp do cơ quan chuyên môn chuyển hồ sơ khi có dấu hiệu hình sự.
Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý ATTP trên địa bàn, bảo đảm bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động bảo đảm ATTP.
Qua đó, UBND các huyện, thành phố cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát về ATTP, đặc biệt đối với nhóm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Việc tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là một biện pháp thiết yếu nhằm đảm bảo ATTP cho người dân; qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, công tác kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân bằng cách lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế biến thực phẩm chín kỹ trước khi ăn và không sử dụng thực phẩm đã bị hư hỏng. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.