Trong khi người được bảo lãnh vẫn còn tài sản nhưng không bị xử lý mà lại phát mãi tài sản người bảo lãnh để thi hành án. Câu chuyện thi hành án "ngược" này xảy ra tại Đồng Nai.
Trong đơn gửi Báo Công lý, bà Nguyễn Ngọc Tuyết ngụ tại địa chỉ số K4/306 khu phố 2, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai trình bày rằng, ngày 22/10/2001, Công ty TNHH Tân Thuyết địa chỉ ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai ( Công ty Tân Thuyết) được thành lập vốn điều lệ đăng ký 22 tỷ đồng. Ông Quang Vĩnh Thuận góp vốn 93,66%, bà Nguyễn Thị Nguyên góp vốn 6,34%. Ông Quang Vĩnh Thuận làm đại diện pháp luật.
Do nhu cầu cần vốn để xây dựng và mua sắm thiết bị nhà máy gạch, ngày 28/10/2004, Công ty Tân Thuyết ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đồng Nai ( Agribank) vay 10 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị là tài sản hình thành từ vốn vay của Agribank với giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất theo GCNQSDĐ số K902956 do UBND tỉnh Đồng Nai cấp ngày 12/10/2000, diện tích 11.609,7m2 của bà Nguyễn Ngọc Tuyết đứng tên và GCNQSDĐ số V680853 do UBND tỉnh Đồng cấp ngày 19/9/2002, diện tích 13.774,8m2 của bà Nguyễn Ngọc Tuyết và ông Quang Vĩnh Thuận đứng tên tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nhà máy, Công ty Tân Thuyết có vay của bà Nguyễn Thị La ở địa chỉ 506/15/14 đường 3/2, quận 10, TP. Hồ Chí Minh 2 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, Công ty Tân Thuyết gặp “sự cố” nên chậm thanh toán cho Agribank phần vốn vay 7,5 tỷ đồng và bà La 2 tỷ đồng cùng với lãi suất. Do đó, Agribank và bà La đã khởi kiện Công ty Tân Thuyết ra TAND tỉnh Đồng Nai để đòi nợ.
Sau nhiều lần hòa giải, ngày 1/7/2009, TAND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 62 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Công ty Tân Thuyết có trách nhiệm thanh toán nợ tín dụng cho Agribank số tiền gốc 7,5 tỷ đồng, tiền lãi tính đến ngày 23/6/2009 là hơn 4,622 tỷ đồng và lãi phát sinh tính trên số nợ gốc tính từ ngày 24/6/2009 đến khi thanh toán xong khoản nợ trên theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng. Và, Công ty Tân Thuyết có trách nhiệm thanh toán nợ vay cho bà Nguyễn Thị La số tiền gốc là 2 tỷ đồng, lãi suất tính đến ngày 30/6/2009 là 288 triệu đồng và lãi phát sinh tính trên số nợ gốc theo mức lãi suất 0,8% tháng từ 1/7/2009 đến khi thanh toán hết khoản nợ trên.
Tài sản đảm bảo thanh toán nợ cho Agribank là toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị hình thành từ vốn vay của Agribank của Công ty Tân Thuyết và tài sản là giá trị quyền sử dụng đất theo các hợp đồng bảo lãnh của bà Nguyễn Ngọc Tuyết và ông Quang Vĩnh Thuận như nêu trên.
Khu đất của bà Tuyết bị Cục THADS Đồng Nai phát mãi
Sau khi quyết định của TAND tỉnh Đồng Nai có hiệu lực pháp luật. Công ty Tân Thuyết đã không thanh toán cho các chủ nợ. Do đó, Agribank và bà La có đơn yêu cầu Cục THADS tỉnh Đồng Nai thi hành án. Cục THADS Đồng Nai đã kê biên các tài sản trên. Tuy nhiên, điều bất thường là trong quá trình tổ chức thi hành án, Cục THADS Đồng Nai lại tổ chức thi hành án ngược.
Lẽ ra, Cục THADS Đồng Nai phải xử lý tài sản của Công ty Tân Thuyết trước để thi hành Quyết định số 62 ngày 1/7/2009 của TAND tỉnh Đồng Nai. Nếu tài sản của Công ty Tân Thuyết không đủ trả các khoản nợ thì mới tiếp tục xử lý tài sản bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất hai GCNQSDĐ của bà Nguyễn Ngọc Tuyết và ông Quang Vĩnh Thuận.
Thế nhưng, Cục THADS Đồng Nai lại đem quyền sử dụng đất theo GCNQSDĐ số V680853 do UBND tỉnh Đồng cấp ngày 19/9/2002, diện tích 13.774,8m2 của bà Nguyễn Ngọc Tuyết và ông Quang Vĩnh Thuận ra phát mãi để thi hành án trả nợ. Mới đây, Cục THADS Đồng Nai lại tiếp đưa giá trị quyền sử dụng đất theo GCNQSDĐ số K902956 do UBND tỉnh Đồng Nai cấp ngày 12/10/2000, diện tích 11.609,7m2 của bà Nguyễn Ngọc Tuyết đứng tên ra phát mãi.
Trong đơn gửi Báo Công lý, bà Nguyễn Ngọc Tuyết cho rằng, việc Cục THADS Đồng Nai tổ chức phát mãi những tài sản mà bà đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Tân Thuyết có nhiều khuất tất. Bà cho biết, tất cả các khoản nợ của Agribank và bà Nguyễn Thị La là do Công ty Tân Thuyết vay. Bản thân bà chỉ bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Tân Thuyết với Agribank, không bảo lãnh khoản vay của bà La.
Theo quy định của pháp luật, Cục THADS Đồng Nai phải xử lý tài sản của Công ty Tân Thuyết trước, nếu còn thiếu thì mới phát mãi tài sản bảo lãnh để thi hành án cho Agribank. Còn đối với khoản vay của bà La, bà không đứng ra bảo lãnh nên không thể xử lý tài sản của bà để trả nợ cho bà La. Đằng này, Cục THADS Đồng Nai lại đem tài sản bảo lãnh của bà ra phát mãi mà không xử lý tài sản của Công ty Tân Thuyết.
Chưa kể, trong quá trình phát mãi tài sản theo GCNQSDĐ số V680853 do UBND tỉnh Đồng cấp ngày 19/9/2002, Cục THADS Đồng Nai đã bán luôn phần đất 1.516,7m2 (chưa được Nhà nước công nhận) của vợ chồng bà không đưa vào thế chấp tài sản bảo lãnh.
Trước những bất thường trên, PV Báo Công lý đã nhiều lần đến liên hệ trực tiếp với Cục THADS Đồng Nai để tìm hiểu sự việc. Rất tiếc, Cục trưởng Cục THADS Đồng Nai Phan Văn Châu lấy lý do bận việc đã không tiếp xúc.
Thiết nghĩ, việc Cục THADS Đồng Nai tổ chức thi hành Quyết định số 62 ngày 1/7/2009 của TAND tỉnh Đồng Nai là việc làm chính đáng nhưng phải đúng theo qui định pháp luật. Ở đây, tài sản của con nợ là Công ty Tân Thuyết chưa bị xử lý nhưng Cục THADS Đồng Nai đã đem tài sản bảo lãnh của bà Tuyết ra phát mãi. Liệu việc làm này có đúng qui định pháp luật? Câu trả lời này xin nhường lại cho các cơ quan có thẩm quyền.