Ngày 22/4, tại TP HCM có mưa lớn và gió giật mạnh khiến hàng chục căn nhà ở quận 12 và quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) bị tốc mái, sập tường.
Theo đó, và chiều tối 22/4, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh đã khiến nhiều căn nhà lợp mái tôn trên đường Tô Ngọc Vân (quận Gò Vấp) bị tốc mái.
Người dân cho biết, từ khoảng 16 giờ, mưa chưa đổ xuống nhưng gió bắt đầu giật mạnh và ít phút sau nhiều căn nhà lợp tôn bị tốc mái. Đồng thời, gió còn khiến nhiều cây xanh bị gãy cành, rơi la liệt trên đường. Hệ thống điện tại khu vực cũng bị tạm ngưng khi gió lớn gây tốc mái một số căn nhà.
Theo đại diện phường 15, quận Gò Vấp, dông lốc khiến 16 căn nhà bị ảnh hưởng, chủ yếu là tốc mái. Trong đó, hầu hết là nhà ở những khu xây tạm bợ, nhà trọ, khu ở tập thể… Trước mắt, phường 15 sẽ khảo sát và hỗ trợ cho người dân sửa chữa.
Ngoài ra, mưa kèm theo lốc xoáy bất ngờ xuất hiện cũng đã khiến nhiều căn nhà bị ở phường Thạnh Xuân, quận 12 hư hỏng.
Một ngôi nhà bị tốc mái ở quận Gò Vấp
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia thời tiết nhận định, TP HCM cùng một số tỉnh thuộc Nam Bộ hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, với nhiệt độ duy trì ở mức trên 37 độ C. Tuy nhiên, do không khí lạnh nén vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp áp cao cạnh rút ra phía Đông nên Nam Bộ sẽ có mưa trong vài ngày tới, có thể sẽ có mưa cùng sấm sét, dông lốc.
Trước đó, vào chiều 21/4, hội tụ gió trên cao kết hợp không khí lạnh tăng cường đã gây mưa rào diện rộng một số nơi ở Hà Nội, trong đó xã Đường Lâm (Sơn Tây) xuất hiện mưa đá lúc 16h50, đường kính hạt lớn nhất 2,5 cm.
Không chỉ Hà Nội, gần 17h ngày 21/4, tại một số huyện như Đà Bắc, Kim Bôi, Cao Phong, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình cũng xuất hiện mưa đá trong 5-7 phút, có hạt đường kính đến 3 cm.
Theo nhận định của các chuyên gia, tại Việt Nam, mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi, ở đồng bằng ít hơn. Hiện tượng này thường hình thành trong các tháng chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4-6), hoặc từ mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9-11). Sự tranh chấp giữa hai khối không khí nóng và lạnh tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh, gây mưa giông kèm mưa đá.