Chính trị

Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu

Nguyễn Liên - Minh Quân 02/04/2024 - 17:24

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn sách Hoàng Đình Giong - cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904-1947) đã viết: “Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp...”.

117624_snapedit_1711949328767_12310901.png
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng dâng hương đồng chí Hoàng Đình Giong.

Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, về sau chuyển sang Nà Toản, xã Xuân Phách (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng). Từ nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, học giỏi, có tinh thần yêu nước, chống thực dân đế quốc. Những năm 1923-1924, đồng chí đã bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước ở Thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và huyện Hà Quảng.

Những năm 1925-1926, Hoàng Đình Giong theo học Trường Bách nghệ ở Hà Nội, đồng chí đã hòa mình vào cuộc đấu tranh của thanh niên trí thức tham gia phong trào bãi khóa tại Hà Nội và tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học, ông trở về quê hương. Với nhiệt huyết và sớm được giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tích cực tham gia tuyên truyền vận động cách mạng tại quê hương.

di-tich-luu-niem-hoang-dinh-giong-2.jpg
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám (Thành phố).

Năm 1927, đồng chí bí mật sang Long Châu, Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức Hội. Năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Hải ngoại (Long Châu, Trung Quốc). Tháng 3/1935, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao, Trung Quốc và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Ngày 04/2/1936, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi khắp các nhà tù đế quốc: Cao Bằng, Hoả Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang); rồi bị đày đi biệt xứ tận đảo Ma-đa-ga-xca (Châu Phi). Là người có kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù của đế quốc, đồng chí đã có sách lược khôn khéo, tranh thủ lực lượng Đồng Minh và cùng các bạn tù chính trị trở về Tổ quốc an toàn. Năm 1943, trong “chuyến đi thử lửa” trở về nước lần thứ nhất, đồng chí được giao nhiệm vụ đưa yêu sách nhờ Đảng Cộng sản Ấn Độ tạo áp lực dư luận, buộc quân Tưởng thả Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tháng 10/1944, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về nước, nhảy dù xuống Cao Bằng, bắt liên lạc với tổ chức.

ct.jpg
Các hạng mục chính của Dự án tu bổ, tôn tạo địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong cơ bản đã được hoàn thành.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban khởi nghĩa của tỉnh Cao Bằng tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giành chính quyền cách mạng ở Cao Bằng từ ngày 20 - 22/8/1945.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng và Bác Hồ giao trách nhiệm Chỉ huy Đội quân Nam tiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu IX, Khu Bộ tưởng (Tư lệnh) Khu VI. Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Chiến khu 7, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận.

Bất cứ ở cương vị nào, vùng đất nào, đồng chí đều thể hiện phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh của một người cán bộ chính trị, quân sự cao cấp lớp đầu tiên của Đảng, của quân đội. Đồng bào các dân tộc miền Tây Nam Bộ rất quý trong đồng chí Vũ Đức, bởi đồng chí sống chan hòa, gần dân, thương dân vô hạn. Đồng bào Khơ me luôn ghi lòng tạc dạ công ơn “cứu mạng của cụ Vũ Đức”; quý trọng và tôn thờ đồng chí như Phật, gọi đồng chí là “Lục” Vũ Đức (tiếng Khơ me “lục” là sư, tức là người lãnh tụ).

Với công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Hoàng Đình Giong đã được Đảng, Nhà nước truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998); Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2009); Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (năm 2018).

Suốt quá trình hoạt động trong và ngoài nước, kể cả trong nhà tù đế quốc cho tới phút hi sinh, đồng chí vẫn kiên cường, bất khuất, trung thành với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Hoàng Đình Giong mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Để tưởng nhớ và ghi tạc công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã dựng Tượng đài, xây dựng Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám (quê nội của đồng chí).

117627_ntv07530_12340101.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Thành phố Cao Bằng cắt băng khánh thành công trình.

Mới đây, ngày 1/4/2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại tổ 8, phường Đề Thám (Thành phố).

Công trình tu bổ, tôn tạo Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng đúng ngày 1/4/2024, kỷ niệm 94 năm thành lập chi bộ Nặm Lìn - chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Đình Giong sáng lập.

Dự án tu bổ, tôn tạo Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được khởi công xây dựng từ ngày 4/10/2022 đến nay đã hoàn thành. Tổng diện tích khu đất dự án khoảng 4.338,8 m2, gồm: khu nội vi diện tích 1.995,8 m2 và khu ngoại vi diện tích 2.343 m2. Quy mô đầu tư: Khu nội vi thực hiện các hạng mục tu bổ, nâng cấp nhà lưu niệm, bổ sung nội thất; tượng đồng chí Hoàng Đình Giong chuyển chất liệu đồng; xây mới nhà trưng bày, nội thất nhà trưng bày; xây mới nhà đón tiếp; hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà; Khu ngoại vi gồm các hạng mục mở rộng, nâng cấp tuyến đường vào khu di tích, xây dựng mới bãi đỗ xe; hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, biển báo vào khu di tích, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình...

117625_bt_pb_1_12315001.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh phát biểu tại buổi Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong.

Di tích địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng là di tích gắn liền với thời niên thiếu của đồng chí Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Năm 1988, Di tích Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Việc tu bổ, tôn tạo Di tích Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công lao to lớn của đồng chí đối với cách mạng mà còn là xây dựng, làm mới một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, tạo lập một điểm đến hấp dẫn, ý nghĩa cho nhân dân và du khách khi đến với Cao Bằng.

117626_tp_12322101.jpeg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tham quan nhà trưng bày Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong.

Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cao Bằng đối với công lao to lớn của đồng chí. Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong sẽ là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO “Non nước Cao Bằng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu