Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và thời đại khoa học công nghệ, nhiều người vẫn hy vọng về một tương lai không xa, gốm Việt vẫn là sản phẩm mang giá trị nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống.
Gốm là một trong những phát minh quan trọng của tổ tiên ta từ ngàn đời nay, đồ gốm ra đời và ngay lập tức đã gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày. Với trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, gốm cổ Việt Nam đã trở thành một loại hình nghệ thuật chứa đựng tính dân gian và tính dân tộc sâu sắc. Và có thể coi Gốm là dấu ấn của một nền văn minh lúa nước, của một nền văn hóa thuần Việt.
Tác phẩm gốm đương đại được trưng bày tại Triển lãm gốm Việt vừa diễn ra cách đây không lâu
Một buổi hội thảo mang tên “Gốm Việt trong chiều dài lịch sử” vừa được tổ chức tại Hà Nội đã tập hợp đông đảo những người có chung tình yêu với gốm, cùng ngồi lại với nhau và chia sẻ về con đường phát triển của gốm đương đại.
Góp mặt trong buổi hội thảo này là PGS.TS Nguyễn Đình Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, một chuyên gia về gốm cổ và họa sĩ Bùi Hoài Mai, "kẻ lãng du trong gốm" với những tác phẩm gốm đương đại khỏe khoắn.
Họa sỹ Bùi Hoài Mai là tác giả những bức phù điêu gốm đậm chất dân gian, cùng kỹ thuật tạo tác gốm mới lạ trong dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”.
Một là nhà nghiên cứu chuyên sâu, biến gốm từ những vật vô tri thành những nhân chứng lịch sử quan trọng trong dòng thời gian luôn biến động, một là nghệ sĩ say gốm, thổi hồn vào gốm bằng đôi bàn tay và tâm hồn sáng tạo nồng nhiệt của mình. Một người tìm tòi quá khứ, một người tò mò với thực tại, họ đã chia sẻ hết những trăn trở ruột gan của mình về sự phát triển của gốm, cả trong hiện tại lẫn tương lai.
PGS.TS Nguyễn Đình Chiến và họa sỹ Bùi Hoài Mai trò chuyện với người yêu gốm
Là người có nhiều năm nghiên cứu và khảo sát các di tích gốm cổ, PGS.TS Nguyễn Đình Chiến cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia có nghề gốm xuất hiện khá sớm. Theo các tài liệu cổ, gốm đã xuất hiện ở Việt Nam một vạn năm trước đây, khởi đầu của gốm Việt chính là từ di tích văn hóa Hòa Bình, thuộc thời đại đồ đá mới”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, trong suốt chiều dài phát triển của gốm Việt, suốt bốn thế kỷ, từ nhà Lý sang nhà Trần và sau này đồ gốm đã đạt được những thành tựu rực rỡ nhất với nhiều trung tâm sản xuất gốm chuyên môn hoá nổi tiếng như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Hàm Rồng, Mỹ Thiện, Phú Vinh... chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của nghề.
Hình ảnh tại Triển lãm gốm sứ
Nhiều loại men được ứng dụng và ổn định về công nghệ, đặc biệt men trắng và men hoa lam cũng xuất hiện đã tạo nên những sản phẩm gốm độc đáo, có ba loại nổi tiếng là gốm men trắng ngà chạm đắp nổi, gốm hoa nâu, gốm men ngọc.
Và khi nói đến tuyệt đỉnh của Gốm cổ Việt Nam, ta không thể không nhắc đến Gốm Chu Đậu. Đồ gốm Chu Đậu chìm sâu trong lòng đất, dưới đáy biển suốt mấy trăm năm. Những sản phẩm còn được lưu giữ ở các viện bảo tàng bên Châu Âu đã từng bị xếp nhầm vào đồ gốm Trung Hoa.
Hiện nay, gốm gần như phải nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và sự bùng nổ của khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại. Người ta thay thế gốm bằng những chất liệu mới hơn, hiện đại hơn để phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội.
Gốm đang tìm đường để tồn tại và phát huy những giá trị vốn có của mình, không chỉ là những đồ vật thông dụng hàng ngày, gốm còn là một vật phẩm trang trí với tính nghệ thuật cao cấp mà không phải ai cũng dám chơi. Nó thường được đặt ở những vị trí sang trọng ở những ngôi nhà cao cấp. Khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều chọn lựa những vật phẩm làm từ gốm để làm quà cho gia đình, người thân hay bạn bè mình.
Họa sỹ Bùi Hoài Mai- "kẻ lãng du trong gốm"
Được gọi là “kẻ lãng du trong gốm" với những tác phẩm gốm đương đại, họa sỹ Bùi Hoài Mai đau đáu một nỗi niềm riêng, cũng là nỗi trăn trở của nhiều nghệ nhân gốm và các những người yêu gốm: "Để duy trì, gìn giữ và phát triển gốm Việt thì không có con đường nào khác ngoài chính cái tâm, là tình yêu của mỗi cá nhân chúng ta dành cho gốm. Những ai trót yêu, những ai phải lòng với gốm thì hãy về với gốm, giữ gìn và phát triển nó và mang gốm Việt vượt ra khỏi biên giới quốc gia, để đến được với bạn bè quốc tế bởi đây là sản phẩm kết tinh của văn hóa nghệ thuật của dân tộc ta đã có từ ngàn đời nay”.
Theo chia sẻ của họa sỹ Bùi Hoài Mai, chỉ còn ba tháng nữa, bảo tàng về các đồ gốm cổ do chính tay ông sưu tầm và gìn giữ suốt nhiều năm qua sẽ chính thức mở cửa đón những người yêu gốm, say gốm và có chung tình yêu với gốm, đây là ước mơ, là ấp ủ từ lâu của ông.
Các cuốn sách, tài liệu về gốm Việt được PGS.TS Nguyễn Đình Chiến giới thiệu tại chương trình
Hiện họa sĩ Bùi Hoài Mai đang sở hữu một xưởng gốm tại làng Na, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du (Bắc NInh), là nơi ông có thể tạo ra nhưng sản phẩm gốm của riêng mình, gắn nhập với ý tưởng kiến trúc mới lạ, những bức tượng, phù điêu cổ bằng gỗ, đá được phục dựng lại trên chất liệu gốm với những mảng để mộc ánh lên màu đỏ hồng của đất nung, những mảng được phủ men gio tự nhiên với đủ các sắc độ của cô ban, xanh lục, vàng ngà, đỏ bã trầu và những đường vân rạn tự nhiên dưới lớp men..
PGS.TS Nguyễn Đình Chiến (bên phải) trong Lễ công bố bảo vật Quốc gia 02.2013
Đồng cảm với chia sẻ hai vị khách mời trong hội thảo, bác Nguyễn Giáng Vân, một người đã nhiều năm sưu tầm gốm cổ chia sẻ cảm xúc của mình: “Cách đây hàng trăm năm, gốm Việt đã có mặt ở khắp các ngả đường ra thế giới theo những con tàu buôn của những thương gia nước ngoài, và Gốm Việt đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, lúc suy, lúc thịnh. Hiện nay, những ai đam mê nghệ thuật gốm đang đi tìm lại giá trị văn hóa lịch sử của gốm Việt đã bị ẩn đi hoặc đã bị mai một. Có nhiều nghệ nhân, nhiều người tâm huyết với gốm đang phục hồi và phát triển sản phẩm tinh tế, mang giá trị nghệ thuật cao của tổ tiên ta từ ngàn đời nay. Tôi tin gốm Việt sẽ còn sống mãi với thời gian bởi những giá trị mà nó đem lại”.
Gốm Việt có dòng chảy riêng của mình, bất cứ thời kỳ nào, vẫn sẽ có những người như PGS.TS Nguyễn Đình Chiến hay “kẻ lãng du trong gốm” Bùi Hoài Mai để lưu giữ những sản phẩm tinh hoa của dân tộc, không chỉ trong nước mà còn vươn xa hơn nữa, đến được với bạn bè quốc tế nhiều hơn.