Đồng bào người Tày lưu giữ nghề dệt truyền thống

Hoàng Huy| 20/06/2021 21:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghề dệt thủ công truyền thống ở Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) vốn đã tồn tại từ rất lâu đời, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Tày bản địa, góp phần làm phong phú thêm hoạt động kinh tế, văn hóa đồng bào các dân tộc ở miền biên viễn phía Bắc của Tổ quốc.

Trải qua nhiều thay đổi của thời gian, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống tại nơi núi non hùng vĩ Bình Liêu (Quảng Ninh) vẫn hiện hữu. Những nghệ nhân cao tuổi như bà Lý Thị Chương (81 tuổi, thôn Nà Phạ, xã Tình Húc) vẫn miệt mài, cần mẫn ngồi bên khung dệt, đôi tay bà vẫn thoăn thoắt, khéo léo để tạo ra những sản phẩm tinh xảo, bắt mắt, kịp phục vụ những ngày chợ phiên. Tính đến nay, bà Chương đã có hơn 70 năm gắn bó với nghề dệt truyền thống.

Với niềm say mê và tự hào, bà Chương bộc bạch: “Ngày xưa người Tày chúng tôi thường quan niệm, con gái mà không biết dệt thì không ai lấy làm dâu. Cho nên, mới 10 tuổi, tôi đã được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Tôi đã theo nghề này từ lúc ấy đến giờ. Chiếc khung cửi này theo tôi từ thời ông nội đóng cho đến giờ. Tôi vẫn nhắc nhở, động viên cháu gái, cháu dâu cố gắng học lấy nghề dệt này”.

chiec-khung-cui-da-gan-bo-voi-ba-chuong-70-nam-qua-sua-lai.jpg
Bà Chương miệt mài, cần mẫn ngồi bên khung cửi đã gắn bó với bà hơn 70 năm qua.

Bà Chương cũng cho biết, trước kia phần lớn các gia đình người Tày ở Bình Liêu đều tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Tuy nhiên ngày nay, với sự xuất hiện phổ biến của sợi công nghiệp dẫn đến nghề trồng bông, kéo sợi gần như không còn. Bởi sợi công nghiệp dễ dệt hơn, giá cả không cao, lại không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người phụ nữ cũng đỡ vất vả hơn.

Để tạo ra một sản phẩm dệt thủ công hoàn chỉnh, đẹp mắt phải qua nhiều công đoạn từ trồng bông, cán bông, bật bông, quấn bông, kéo sợi, hồ sợi, dàn sợi, dệt sợi… Màcông đoạn nào cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật và sự kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ và nhiều công sức. Tuy nhiên, hiện nay không còn nhiều người dân tộc thiểu số còn sử dụng các sản phẩm dệt truyền thống.

Bà Chương tâm sự, cả xã Tình Húc giờ còn mỗi mình bà duy trì nghề dệt truyền thống mà nghề này hoàn toàn là thủ công, mất rất nhiều thời gian mới làm ra được một sản phẩm. Do ít người còn sử dụng sản phẩm nên việc tiêu thụ cũng khó khăn, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nhưng do nghề này đã gắn bó với bà từ bé nên bà cố gắng giữ gìn nó để truyền lại cho thế hệ sau.

Sản phẩm hiện nay bà Chương thường dệt là khăn vấn đầu của phụ nữ Sán Chỉ. Mỗi chiếc khăn có chiều dài 1,2m, rộng 20cm, hai đầu có các tua chỉ và đều có chung một màu là màu xanh cánh trả. Trên mỗi hàng ngang của khăn nổi lên những hoa văn hình quả tram, đây là sự khác biệt so với khăn Trung Quốc. Mỗi chiếc khăn bà làm ra, có giá bán trên thị trường khoảng 150.000 đồng.

Thực tế, hiện nay tại nhiều địa phương nghề dệt thủ công truyền thống không còn duy trì. Số lượng người còn khung cửi để dệt cũng rất ít, phần lớn đều đã cao tuổi, nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu. Đa số thế hệ trẻ, con em của đồng bào các dân tộc trên địa bàn chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống.

Chị Lài Thị Tâm (Cháu gái bà Chương, thôn Chang Nà, xã Tình Húc) chia sẻ: “Hiện tôi đang được bà nội truyền dạy lại nghề dệt. Tuy nhiên, vì thời gian rảnh rỗi ít nên cũng chưa học được mấy, chủ yếu là một số bước cơ bản vì dệt thủ công truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ”.

Ông Ngô Bảo Toàn – Phó chủ tịch UBND xã Tình Húc cho hay: "Trên địa bàn xã hiện nay ngoài bà Chương, ở thôn Co Nhan 1 vẫn còn một người lưu giữ nghề dệt thủ công truyền thống. Tuy nhiên, bà Chương là vẫn duy trì thường xuyên. Các sản phẩm của bà vừa có giá trị về kinh tế, vừa mang ý nghĩa góp phần quan trọng lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Tày. Việc duy trì nghề truyền thống của dân tộc của các bà luôn được chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao và rất trân trọng".

Theo ông Tô Đình Hiệu – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu, để gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống, địa phương đã đề xuất lên trên để có hướng bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời khuyến khích, động viên các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho con cháu, thế hệ trẻ.

Việc bảo tồn và gìn giữ nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày tại địa phương là rất quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ nghề dệt thủ công truyền thống là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu.

Bên cạnh đó, nghề dệt thủ công truyền thống còn góp phần nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho đồng bào tại nơi đây phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống từ những nét đẹp truyền thống của chính dân tộc mình và quan trọng hơn chính là gìn giữ biểu tượng văn hóa truyền thống của cộng đồng người Tày ở Bình Liêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào người Tày lưu giữ nghề dệt truyền thống