Chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, Đông Anh: Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống

PV| 23/12/2016 17:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xây dựng đầu mối cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ phát triển làng nghề, thúc đẩy thương mại dịch vụ; tạo việc làm cho NLĐ là một trong mục tiêu Dự án Chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, Đông Anh đang nhận được đồng thuận, tạo ra sự phấn khởi của nhiều người dân.

Sức sống một làng nghề

Vân Hà là xã nằm ở phía Đông huyện Đông Anh, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 22 km về phía Đông Bắc. Cùng với các xã Liên Hà, Thụy Lâm Vân Hà có nghề gỗ truyền thống từ lâu đời. Đặc biệt, Vân Hà đã bảo tồn được hệ thống di tích lịch sử văn hoá khá phong phú nhưng cái đáng quý nhất ở đây là các mảng chạm khắc trong di tích có tuổi đời vài trăm năm còn gìn giữ được đến ngày nay đều của nghệ nhân Vân Hà như đình, chùa Thiết Úng, nhà thờ họ Đỗ, nhà thờ họ Đồng. Đó là dấu ấn một thời của nghệ nhân xưa đã gửi gắm cả tấm lòng mình, thổi hồn vào những bức tranh sống động để rồi lớp con cháu ngày nay tự mình suy ngẫm với niềm tự hào về quê hương - một làng nghề truyền thống.

Chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, Đông Anh: Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống

Những khúc gỗ thô qua bàn tay của người làng nghề Thiết Úng đã thành những sản phẩm mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ. Ảnh Việt Cường

Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống trong cơ chế thị trường, giống như nhiều làng nghề khác, Vân Hà cũng phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức đe doạ sự sống còn của làng nghề như vốn, mặt bằng, công nghệ, chảy máu chất xám, vấn đề xử lý môi trường, đặc biệt nhu cầu sử dụng sản phẩm của khách hàng ngày càng cao, với thị hiếu ngày càng đa dạng. Thậm chí, có thời điểm nhiều người không còn xa lạ với khái niệm “chảy máu” ở Làng nghề Vân Hà khi những người thợ tài hoa lần lượt bỏ nghề, rời làng đi kiếm ăn.

Song, Vân Hà với sức sống mãnh liệt đã vượt qua giai đoạn khó khăn không ngừng phát triển vươn lên. Xác định cần chú trọng việc đa dạng hoá các sản phẩm làng nghề, các nghệ nhân, những người thợ giỏi đã biết phát huy và chắt lọc tinh hoa của nghề truyền thống với hiện đại để tạo ra những sản phẩm có chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chính vì vậy những năm trước đây doanh thu đồ gỗ mỹ nghệ chỉ là nghề thu nhập phụ, nay doanh thu sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã chiếm 60 % doanh thu của toàn xã, ngày công lao động đã nâng lên, bộ mặt nông thôn được đổi mới .

Hiện nay, Vân Hà đã hình thành được mạng lưới phân phối ổn định cho đầu ra cho sản phẩm bao gồm gần 20 Công ty TNHH chuyên buôn bán chế biến gỗ và sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng đồ gỗ. Trong đó có 7 Công ty TNHH chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ  phục vụ trong nước và xuất khẩu. Các mặt hàng của Vân Hà được xuất khẩu sang Trung Quốc và Đài Loan. Làng nghề Vân Hà hiện đã được chuyên môn hoá các sản phẩm như ở Thiết Bình  chủ yếu buôn bán  và chế biến gỗ phục vụ các cơ sở sản xuất trong xã. Thôn Cổ Châu - Hà Khê  chuyên sản xuất  đồ gia dụng phục vụ đời sống như như: giường, tủ, bàn ghế … đặc biệt ở Thiết Úng (làng Ống ) và Vân Điềm (làng Đóm) vẫn giữ được nghề cổ truyền của cha ông đó là nghề chạm khắc mỹ nghệ và tạc tượng.

Chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, Đông Anh: Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống

Nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ đã đem lại cơ hội làm việc cho rất nhiều lao động ở Thiết Úng cũng như vùng lân cận

Có thể nói, Sản phẩm đồ gỗ Vân Hà đã và đang có mặt rộng rãi trên khắp thị trường trong nước và quốc tế. Tự hào đã bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống của cha ông, đáng quý hơn cả là lớp lớp con cháu Vân Hà hôm nay đã yên tâm sống được với nghề do cha ông truyền dậy. Nhưng Vân Hà vẫn còn đó không ít khó khăn. Nhu cầu về trao đổi sản phẩm, nguyên liệu gỗ trên thị trường ngày càng cao trong khi, trên địa bàn Vân Hà cũng như các xã lân cận trong vùng chưa có một địa điểm được đầu tư xây dựng tập trung và quản lý một cách bài bản, khoa học, đúng quy hoạch là một trở ngại không nhỏ. Khó khăn này cũng đã được cử tri đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc đại biểu HĐND xã,  huyện và thành phố.

Xây dựng đầu mối cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ phát triển làng nghề

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân địa phương, căn cứ vào quy hoạch phát triển nông thôn và phát triển kinh tế- xã hội của xã Vân Hà, UBND huyện Đông Anh nhận thức rõ việc cần thiết phải xây dựng Dự án chợ nguyên liệu gỗ tại thôn Cổ Châu, xã Vân Hà. Mục tiêu của dự án là xây dựng đầu mối cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ phát triển làng nghề gỗ thủ công mỹ nghệ tại Vân Hà và các xã lân cận, tạo mối giao thương trong vùng; chuyên doanh cung cấp nguồn hàng, giải quyết nhu cầu về địa điểm kinh doanh cho các hộ kinh doanh, thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ; tạo việc làm cho lao động dôi dư; giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống làng thủ công mỹ nghệ; cải thiện cảnh quan quy hoạch kiến trúc đúng chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Đây là dự án phục vụ phát triển kinh tế, thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn xã hội hóa trong toàn xã hội nên UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt và ghi danh mục cho dự án này là một trong các dự án thực hiện theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn huyện Đông Anh đồng thời giao UBND huyện Đông Anh là đơn vị mời thầu. Nguồn vốn để thực hiện dự án là vốn huy động hợp pháp của nhà đầu tư trúng thầu. Tổng chi phí thực hiện dự án: 106.340.431.000 đồng (Trong đó: Nộp ngân sách nhà nước 3.907.624.000 đồng; Nộp tiền bồi thường, HT, GPMB 42.179.430.000 đồng; còn lại là kinh phí đầu tư xây dựng theo dự án được duyệt). Thời gian thực hiện hợp đồng: 50 năm. Nhà đầu tư trúng thầu dự án là Công ty Cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án 1.310 ngày; thời hạn hoàn thành các thủ tục theo quy định: 910 ngày; thời gian hoàn thành xây dựng công trình 400 ngày kể từ ngày bàn giao mặt bằng.

Để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước được thực hiện một cách hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân trong quá trình xây dựng cũng như vận hành chợ, trong hồ sơ mời thầu UBND huyện Đông Anh đã yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện các nội dung: Cam kết với UBND huyện là ưu tiên sử dụng lao động tại địa bàn xã Vân Hà vào làm việc sau khi đầu tư xây dựng xong. Sau khi đầu tư xây dựng nhà đầu tư phải thực hiện 6 nội dung sau để UBND huyện Phê duyêt mới được hoạt động, bao gồm: Phương án sắp xếp ngành nghề kinh doanh; phương án quản lý điểm kinh doanh và phương án quản lý nhân sự chợ; phương án nội quy chợ; phương án tổ chức các dịch vụ; phương án tài chính; phương án quản lý và sử dụng đất đai.

Đối với dự án này, UBND huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Đông Anh để thực hiện dự án. UBND huyện cũng đã có Quyết định thành lập tổ công tác GPMB xã Vân Hà để tổ chức điều tra, kê khai, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án theo Quyết định số 4818/QĐ-UBND ngày 11/11/2016; giao Ban quản lý dự án huyện là cơ quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và bàn giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu theo quy định.

Để phục vụ công tác GPMB, Ban Quản lý dự án huyện đã thực hiện xong các thủ tục pháp lý: Xác định ranh giới thu hồi đất của dự án; có biên bản xác định mốc giới của sở Tài nguyên và Môi trường; có bản vẽ chỉ giới đường đỏ của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500; bản vẽ hiện trạng 1/500 của Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ Đo đạc và Bản đồ; phối hợp với UBND xã Vân Hà và các phòng, ban liên quan thu thập thông tin có đất nằm trong ranh giới thu hồi đất thực hiện dự án; tiến hành trích lục thửa đất và trình UBND huyện ra thông báo thu hồi đất của từng hộ gia đình theo quy định để gửi cho các hộ.

Để thực hiện dự án, 249 hộ có đất nông nghiệp sẽ nằm trong diện phải thu hồi, trong đó, thôn Thiết Bình có 121 hộ, thôn Thiết úng 99 hộ; thôn Cổ Châu 29 hộ. Toàn bộ các văn bản pháp lý liên quan đến dự án và chế độ chính sách phục vụ công tác GPMB đã được gửi tới các bộ phận chức năng để tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như niêm yết công khai tại trụ sở xã để nhân dân nắm rõ; đã tổ chức họp dân tại 3 thôn có đất trong phạm vi GPMB để thực hiện dự án, các văn bản pháp lý liên quan đến dự án như: Thông báo kế hoạch tiến độ chi tiết, phổ biến các chính sách liên quan… đều được công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, huyện đang tiến hành thu nhận tờ khai của các hộ sau đó sẽ tiến hành điều tra hiện trạng, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quy trình giải phóng mặt bằng theo quy định.

Dư luận nhân dân trong huyện phấn khởi đồng tình với việc thực hiện triển khai dự án trên của UBND huyện Đông Anh, bởi tất cả là vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của một làng nghề truyền thống không chỉ riêng của huyện Đông Anh mà là của cả thành phố Hà Nội.

Dự án Chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, Đông Anh có tổng diện tích nghiên cứu lập dự án 48.725m2, trong đó: Diện tích ngoài hàng rào là 9.265 m2 tạm giao cho nhà đầu tư làm đường theo quy hoạch để sử dụng chung (tuyệt đối không xây dựng công trình); diện tích trong hàng rào chợ là 39.460 m2.

Dự án gồm 5 nhà cầu chợ 1 tầng có kết cấu thép là nơi kinh doanh các sản phẩm về gỗ; nhà trung tâm điều hành, giới thiệu sản phẩm 2 tầng có kết cấu khung bê tông cốt thép, dầm sàn liền khối là nơi điều hành và kinh doanh các sản phẩm về gỗ có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, dự án còn có các công trình hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng đồng bộ đường giao thông nội bộ trong chợ và đường giao thông quy hoạch xung quanh dự án; trạm biến áp; hệ thống xử lý nước thải; cây xanh, thảm cỏ, sân vườn; hệ thống PCCC trong và ngoài nhà; nhà vệ sinh công cộng; hệ thống cấp, thoát nước và chiếu sáng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, Đông Anh: Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống