Mạng xã hội hẳn nhiên đang là một cái chợ, cái chợ đầy rẫy "rác văn hóa". Hơn thế nữa, người ta tự cho mình được cái quyền chửi bới, đăng ảnh, clip lên mạng xã hội làm nhục bất kỳ ai nếu họ thấy "ngứa mắt".
Khi đời tư bị công khai “ném đá”
Mạng xã hội hiện như một phần của cuộc sống, là sân chơi không phân biệt tầng lớp, tuổi tác trong xã hội, ở đó mọi người có thể tự do chia sẻ những tâm tư, tình cảm, những câu chuyện vui buồn... Không một cá nhân nào phủ nhận những yếu tố tích cực của mạng xã hội, tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực thì mạng xã hội đang tồn tại những bất cập hết sức đáng ngại.
Khi có mâu thuẫn với nhau ngoài đời thực, mạng xã hội là phương tiện các cá nhân dùng để trả đũa, bêu xấu, hạ nhục lẫn nhau, kèm theo đó là sự lan truyền chóng mặt với những lượt chia sẻ ăn theo, a dua, “ném đá” không thương tiếc dẫn đến những hậu quả đau lòng. Chúng ta hãy nhìn lại một số vụ việc trong quá khứ và hậu quả của nó ra sao.
Năm 2013, dư luận bàng hoàng trước thông tin, một nữ sinh lớp 12 ở Thạch Thất (Hà Nội) do không chịu được áp lực từ mạng xã hội đã quyên sinh trước ngày thi THPT.
Đời tư đang bị xâm phạm nghiêm trọng trên mạng xã hội (Ảnh minh họa: SGTT)
Trước đó, vì bị một bạn nam cùng lớp ghép chân dung mình vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đưa lên Facebook làm trò đùa, ngay khi đăng lên, bức ảnh đã bị nhiều người dùng chia sẻ, kèm theo đó là những bình luận mang tính chất xúc phạm và đời tư của nữ sinh bị đưa ra làm chủ đề bàn tán trong mọi câu chuyện.
Do không chịu được áp lực đó, nữ sinh này đã uống thuốc cỏ tự tử, để lại bao nỗi thương xót cho gia đình người thân, gây bàng hoàng trong dư luận.
Vào tháng 6/2015, một nữ sinh lớp 9 của một trường THCS ở Đồng Nai đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ do bị người yêu tung đoạn clip ân ái lên facebook. Đoạn clip sau khi được đăng tải đã lan truyền trên mạng một cách chóng mặt.
Hàng ngàn người đã nhảy vào tham gia bình luận, bàn tán hả hê, sôi nổi. Không những thế, clip này còn bị đẩy lên một số trang web đen, và hành trình tìm tung tích, danh tính của nhân vật trong clip được tạo thành một “chiến dịch”.
Do không chịu được áp lực của “cơn bão mạng” trút xuống, nữ sinh này đã tìm đến cái chết. Thế nhưng, những vụ việc đau lòng tương tự chưa dừng lại.
Mới đây, một học sinh lớp 8 tên T. ở Đà Lạt đã bị một nam thanh niên tung ảnh khỏa thân lên mạng xã hội zalo, gây sức ép tống tình khiến em hoảng loạn, lo sợ phải bỏ học. Người thanh niên đó được cơ quan chức năng xác định là Bùi Hữu Trung (34 tuổi), ngụ tại khu phố 1, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).
Năm ngoái, một cô hoa hậu đi máy bay đã bị chụp ảnh trong tư thế ngủ "chưa đẹp" rồi tung lên mạng xã hội. Bức ảnh đã tạo ra làn sóng dư luận mặc sức chê bai khiến cô hoa hậu bị "sốc". Còn vô số những câu chuyện đại loại như clip đánh ghen, ngoại tình, soi mói chuyện cá nhân được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Không ai kiểm chứng được thông tin trên nhưng hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu lời bình luận công kích khiến khổ chủ điêu đứng, có người đã phải tìm đến cái chết.
Có nhiều người biết danh dự bị bôi nhọ, đời tư bị xâm phạm nhưng không biết phải làm gì, kiện ai vì "được vạ thì má đã sưng". Chính vì vậy, nhưng điều tồi tệ đang ngày càng phát triển và mạng xã hội được coi là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những hành vi trái pháp luật, thiếu văn hóa.
Dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện nay, việc đưa thông tin, hình ảnh riêng tư nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội để bêu riếu, xúc phạm là một việc làm quá dễ dàng. Những người thực hiện hành vi này thường không hiểu hành vi mà mình gây ra sẽ có hậu quả như thế nào, và để đạt được mục đích, họ sẵn sàng bất chấp tất cả.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật gia Vũ Văn Nhất - Giám đốc Công ty TNHH Vũ Gia Luật (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hành vi nói xấu, bêu tên, đăng ảnh nhạy cảm, clip riêng tư của người khác lên mạng xã hội, gây cho người đó cú sốc lớn, khiến người đó hoang mang suy sụp thì hành vi đó đã đủ cấu thành tội “Làm nhục người khác”, theo quy định tại Điều 121 BLHS.
Làm nhục người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cụ thể, điều luật quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Như vậy hành vi đó có thể bị phạt tù đến hai năm.
Thực tế cho thấy, hành vi của đối tượng Bùi Hữu Trung khi tung ảnh khỏa thân của một học sinh lớp 8 lên mạng xã hội Zalo trên đã bị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng bắt giữ để điều tra về hành vi “Làm nhục người khác”.
Ngoài ra, Điều 21 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình...”. Luật đã quy định là bất khả xâm phạm, mà vẫn có hành vi ngang nhiên xâm phạm tức là đã vi phạm pháp luật, hoàn toàn có thể xử lý đối với những trường hợp này.
“Việc đời tư bị bêu riếu, xúc phạm trên mạng xã hội là hành vi nghiêm trọng, dễ tước đi mạng sống của con người, đó được coi là một loại vũ khí nguy hiểm, giết người không dao. Vì thế, theo tôi nghĩ, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa đối với những hành vi này, có quy chế kiểm soát chặt chẽ đối với mạng xã hội, bởi hiện nay, việc đăng tải các thông tin lên mạng quá dễ dàng, chỉ cần một cú nhấp chuột là xong” - Luật gia Vũ Văn Nhất cho biết thêm.