Cần Giờ là huyện đảo nằm phía Đông Nam TPHCM, được bao bọc bởi sông Nhà Bè, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Nơi đây có hệ sinh thái Rừng Sác ngập mặn nổi tiếng, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, Cần Giờ đã trở thành một huyện đảo phát triển vượt bậc.
Ký ức oanh hùng
Qua 45 năm đánh Pháp, đuổi Mỹ (1930 - 1975), ký ức về sự nghiệp giải phóng dân tộc qua các thời kỳ trên mảnh đất Rừng Sác Cần Giờ luôn in đậm trong tâm trí của mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân huyện Cần Giờ.
Trong hơn 40 năm đấu tranh cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giờ đã không ngừng vượt qua mọi ghềnh thác, thử thách, đối phó với không biết bao nhiêu thủ đoạn, âm mưu và hành động tàn ác của kẻ thù, Rừng Sác Cần Giờ vẫn bền bỉ, đứng vững và ngoan cường, lần lượt góp phần làm nên những chiến thắng, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên mảnh đất Cần Giờ có 1.215 liệt sĩ, 468 thương binh, bệnh binh đã hy sinh, cống hiến xương máu cho độc lập dân tộc. Huyện Cần Giờ có 397 gia đình có công giúp đỡ cách mạng, 2.786 người tham gia bộ đội, du kích, dân công tiếp tế hoặc tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực cho cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Cần Giờ, không chỉ có chiến công của những người chiến sĩ, những đặc công, du kích mà còn có những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của người dân nơi đây.
Trên toàn huyện có gần 80% gia đình liệt sĩ và có công với cách mạng, đặc biệt có Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Lâu, có 3 người con đẻ hy sinh, 2 người con rể và 5 cháu nội, ngoại là liệt sĩ. Mẹ là mẹ của 2 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Thế và Đoàn Thị Thiếp.
Không chỉ là một tiền tuyến trong chiến tranh, vùng đất Cần Giờ còn đảm nhiệm vai trò là một trong những địa điểm trung chuyển hàng chiến lược từ đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và giữa hai miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Đất rừng và con người Cần Giờ luôn là nơi cưu mang các tổ chức, lực lượng cách mạng về trú ẩn an toàn, xuất phát điểm của nhiều trận đánh hiểm hóc, vang dội toàn miền Nam.
Cuộc chiến đấu của nhân dân Cần Giờ cũng như toàn miền Nam sẽ còn lưu giữ mãi trong những trang sử của dân tộc.
“Viên ngọc thô” chưa được mài giũa
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ngày nay Cần Giờ - huyện biển duy nhất của TP. HCM như một “viên ngọc thô” chưa được mài giũa.
Cần Giờ có vị trí rất quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển của TP. HCM với nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế biển (cảng nước sâu, phát triển các ngành nuôi trồng, chế biển thủy - hải sản), du lịch sinh thái, truyền thống lịch sử gắn với phát huy giá trị rừng phòng hộ Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới, năng lượng điện gió, góp phần phát triển bền vững (xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường), gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Từ sau ngày giải phóng, nhất là từ sau khi huyện Duyên Hải – tỉnh Đồng Nai (nay là huyện Cần Giờ) được sáp nhập về TP.HCM (năm 1978), được sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy - UBND TP.HCM, Đảng bộ và nhân dân Cần Giờ luôn kiên định mục tiêu phát triển kinh tế nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm đầu thế kỷ XXI, nghề nuôi nghêu ổn định và phát triển với diện tích khoảng 3.000 ha, chiếm 50%, trong cơ cấu sản lượng ngư nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao; nghề nuôi tôm sú, tăng tỷ lệ lợi nhuận từ 0,5 đến 1,5 lần trong 1 vụ (3 - 4 tháng). Cùng với sản phẩm thủy sản, sản lượng muối bình quân hàng năm đạt trên 30.000 tấn đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân lao động.
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyền rừng ngập mặn quốc tế, Cần Giờ đã hình thành rõ nét khu du lịch sinh thái hấp dẫn, mở ra nhiều triển vọng phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong tương lai.
Bên cạnh đó, chủ trương của Đảng bộ huyện khoán cho hộ gia đình bảo vệ rừng phòng hộ đã giúp nhiều hộ tăng thu nhập, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển rừng, chống khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xã điểm Lý Nhơn vào năm 2009 đến thực hiện đại trà 6/6 xã vào năm 2012 cùng với việc triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm, công trình đột phá qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở Cần Giờ được cải thiện đáng kể, phát huy được tác dụng, tạo tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn sau.
Huyện Cần Giờ đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các bước lập, điều chỉnh quy hoạch huyện dựa trên “Ý tưởng quy hoạch" của đơn vị tư vấn đạt giải theo chỉ đạo của thành phố; Dự án xây dựng khu đô thị du lịch lấn biển quy mô 2.780 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng và đang triển khai thực hiện.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Toàn huyện có 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa. Hạ tầng điện, nước được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ sâu xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Hướng đến thành phố du lịch sinh thái
Nghị Quyết số 12-NQ/TU ngày 26/12/2022 của Thành uỷ TP.HCM, định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030, trong đó xác định, việc xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường;
Trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Cần Giờ giai đoạn 2021-2030 đạt 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm.
Về phát triển kinh tế, trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển; trong đó chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao; có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch.
Ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết, mục tiêu để xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh thân thiện với môi trường, trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn.
Còn hệ thông cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống nhân dân nâng cao. Xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh; bộ máy quản lý Nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2030 của huyện tăng 20,7%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%.