Đội quân robot của Ukraine: Lời giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực?
Ngọc An•08/02/2025 - 13:01
Cuộc cách mạng robot của Ukraine đang định hình lại chiến tranh hiện đại và tương lai của các cuộc xung đột. Trong tình thế hiện tại, có thể coi đây là lời giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
Kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến toàn diện, Ukraine đã trở thành một phòng thí nghiệm chiến tranh của tương lai. Do nhu cầu cấp bách, nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào đổi mới công nghệ để chống trả.
Kết quả là Ukraine đang đi đầu trong công nghệ quân sự, tận dụng robot và tự động hóa để định nghĩa lại chiến tranh hiện đại, đồng thời trở thành nơi thử nghiệm cho các công nghệ chiến đấu trong tương lai.
Khi Ukraine tiếp tục phát triển và triển khai các hệ thống không người lái tiên tiến, thế giới đang theo dõi sát sao cách những tiến bộ này định hình chiến trường. Với việc Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái (drone) có trí tuệ nhân tạo, khả năng triển khai robot chiến đấu mặt đất tự động có thể đến sớm hơn dự kiến.
Hiện tại, Ukraine đang xây dựng một đội quân robot, với mục tiêu có hơn 200 phương tiện mặt đất không người lái (UGV) hoạt động vào cuối năm nay. Khi tiếp tục triển khai các robot này, Ukraine thu thập dữ liệu quan trọng để định hướng phát triển các hệ thống tự động trong tương lai.
Kinh nghiệm này giúp Ukraine đào tạo mô hình trí tuệ nhân tạo và đi đầu trong việc triển khai các robot chiến đấu thế hệ tiếp theo khi thời điểm thích hợp đến.
Trong cuộc phỏng vấn với The Economist vào tháng 11/2023, cựu Tổng tư lệnh Ukraine Valerii Zaluzhnyi mô tả cuộc chiến là "thế trận cầm cự," đồng thời cảnh báo rằng xung đột kéo dài không chỉ đe dọa quân đội Ukraine mà còn cả sự tồn tại của quốc gia. Ông nhấn mạnh rằng việc phá vỡ thế bế tắc này đòi hỏi một bước tiến công nghệ lớn.
Robot chiến đấu
Robot chiến đấu được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu từ xa, chẳng hạn như tấn công hoặc phòng thủ vị trí, giám sát và trinh sát. Trong khi đó, người điều khiển vẫn ở nơi trú ẩn an toàn, cách xa chiến trường tới 4 km.
Những hệ thống này được trang bị súng máy PKT và PKM cỡ nòng 7,62mm, cũng như súng máy NSVT và M2 Browning cỡ nòng 12,7mm. Chúng có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2 km. Một số robot được bọc giáp chống đạn cỡ nhỏ và được trang bị camera nhiệt để chiến đấu trong điều kiện ban đêm.
Nguồn: Quỹ UNETID24
Robot tự hủy và máy rải mìn
Robot tự hủy và thiết bị rải mìn được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu khác nhau trên chiến trường – chủ yếu là các phương tiện bọc thép của đối phương.
Robot tự hủy có thể mang theo tới 2 mìn chống tăng TM-62 hoặc tải trọng lên đến 40 kg, di chuyển về phía mục tiêu với tốc độ lên đến 25 km/h. Những robot này cũng có thể rải mìn tại các vị trí của kẻ địch và trên các tuyến đường hậu cần bằng thiết bị chống tăng từ xa, trong khi người điều khiển vẫn an toàn ở khoảng cách lên tới 5,5 km.
Nguồn: Quỹ UNETID24
Robot chiến đấu
Với nguồn cung vũ khí từ phương Tây ngày càng suy giảm trong khi đối thủ sở hữu nguồn lực dồi dào, Ukraine đang sử dụng công nghệ để cân bằng tương quan lực lượng. Những gì bắt đầu từ chiến tranh bằng máy bay không người lái giờ đã mở rộng sang các hệ thống robot tiên tiến, đánh dấu một chương mới trong cuộc chiến chống lại đối thủ lớn mạnh hơn.
Vào tháng 12/2024, Ukraine đã đạt một cột mốc quan trọng khi thực hiện thành công cuộc tấn công đầu tiên vào các vị trí của Nga chỉ bằng máy bay không người lái và robot mặt đất. Theo Trung sĩ Volodymyr Dehtiarov thuộc Lữ đoàn Khartiia, hàng chục hệ thống không người lái, bao gồm cả robot mặt đất gắn súng máy và drone cảm tử FPV, đã được triển khai gần Lyptsi, phía bắc Kharkiv.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đã bình luận về cuộc tấn công này, viết rằng: "Các quan chức Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh nỗ lực của nước này trong việc tận dụng đổi mới công nghệ và năng lực tấn công phi đối xứng để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực...".
Trong khi số thương vong về nhân mạng ngày càng tăng, Ukraine tiếp tục đổi mới với các hệ thống như Honey Badger – một phương tiện mặt đất không người lái mang chất nổ, được thiết kế để xâm nhập và tiêu diệt các mục tiêu bọc thép.
“
Robot hậu cần là những cỗ máy đa năng được thiết kế để cung cấp nhu yếu phẩm, đạn dược và/hoặc thiết bị đến các vị trí, cũng như để sơ tán người bị thương từ tiền tuyến.
Chúng cũng có thể lắp đặt các phương tiện kỹ thuật bổ sung: EW và giám sát video từ xa. Robot hậu cần có thể vận chuyển tới 600 kg hàng hóa. Có hệ thống bánh xích (tăng khả năng di chuyển xuyên địa hình) và hệ thống bánh xe (được thiết kế để giao hàng nhanh). Chúng có phạm vi hoạt động lên tới 40 km.
Nguồn: Quỹ UNETID24
Nhận thấy tiềm năng của những tiến bộ này, Ukraine đã thành lập sáng kiến quốc phòng BRAVE1 vào mùa xuân năm 2023 nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa quân đội, các tổ chức nhà nước, khu vực tư nhân và các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho cách tiếp cận phối hợp hơn đối với công nghệ quốc phòng.
Vào tháng 9/2024, Ukraine đã sử dụng một robot mặt đất để hỗ trợ tấn công một chiến hào của Nga ở tỉnh Kursk. Trước sự chênh lệch đáng kể về nhân lực dọc theo mặt trận dài gần 1.300 km, Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tối đa hóa khả năng công nghệ, triển khai hàng loạt hệ thống không người lái để hỗ trợ các lực lượng của mình. Một quan chức Ukraine nhận xét: "Ukraine đã biến bất lợi công nghiệp thành động lực đổi mới".
Dù công nghệ trong cuộc chiến phát triển nhanh chóng, một thách thức quan trọng là tổ chức nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và tích hợp các hệ thống khác nhau vào tất cả các đơn vị chiến đấu.
Vào tháng 2/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thành lập Lực lượng Hệ thống không người lái Quốc gia (USF) và bổ nhiệm Đại tá Vadym Sukharevskyi làm chỉ huy vào tháng 6/2024.
Các công ty khởi nghiệp của Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ chiến trường, với khoảng 250 công ty đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Một trong những công ty này đã phát triển phương tiện mặt đất không người lái có tên Odyssey chỉ trong bốn ngày trong một nhà kho, với chi phí chỉ bằng 10% so với mẫu nhập khẩu. "Chúng tôi đang chiến đấu với một quốc gia khổng lồ có nguồn lực không giới hạn. Chúng tôi biết rằng mình không thể để mất quá nhiều mạng sống", ông Denysenko, người đứng đầu công ty quốc phòng UkrPrototyp, cho biết. Sáng kiến BRAVE1 đã thử nghiệm thành công hơn 50 hệ thống mặt đất.
Quỹ UNITED24, do Tổng thống Zelensky thành lập, cũng đã bắt đầu gây quỹ cho một nền tảng robot mặt đất, với mục tiêu "cứu mạng sống trên chiến trường và trong dân thường bằng cách hỗ trợ hậu cần, sơ tán, đặt mìn, gỡ mìn và tham gia chiến đấu".
Chiến tranh đang bước vào một kỷ nguyên mà chiến thắng có thể không còn phụ thuộc vào số lượng binh sĩ, mà vào khả năng duy trì và bổ sung các đơn vị robot. Các cuộc xung đột trong tương lai có thể kéo dài cho đến khi một bên không còn khả năng thay thế máy móc – một viễn cảnh đáng lo ngại nhưng ngày càng trở nên khả thi trong chiến tranh hiện đại.
Sự thay đổi này thể hiện rõ qua cách Ukraine sử dụng máy bay không người lái trên chiến trường. Các toán điều khiển drone của Ukraine, đóng quân cách xa tiền tuyến hàng dặm, đang thực hiện các cuộc tấn công chính xác từ xa – minh chứng cho sự thay đổi căn bản của chiến tranh thế kỷ 21.
Giống như cách quân Anh từng sử dụng hỏa lực tập trung để áp đảo các đối thủ thời kỳ trước, ngày nay, các hệ thống không người lái mang lại lợi thế quyết định cho những ai sở hữu công nghệ tiên tiến hơn.
Tuy nhiên, robot không thể hoàn toàn giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực của Ukraine. Dù vậy, Ukraine vẫn đang tích cực phát triển một lực lượng robot chiến đấu để giảm thiểu sự tham gia của con người và bảo toàn mạng sống.
Một quan chức Ukraine nhấn mạnh: "Chúng tôi trân trọng từng mạng sống và muốn binh sĩ của mình cách xa tiền tuyến nhất có thể".
Ukraine có kế hoạch triển khai hàng chục nghìn phương tiện mặt đất không người lái trong năm nay để vận chuyển tiếp tế, sơ tán binh sĩ bị thương và hỗ trợ bộ binh trong chiến tranh chiến hào, theo Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov. Những phương tiện này, hiện đã được sử dụng ở tiền tuyến và trong tỉnh Kursk của Nga, giúp giảm rủi ro cho binh lính dưới làn pháo kích và tấn công bằng drone từ Nga.
Các robot mặt đất ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chiến tranh của Ukraine, đặc biệt là trong việc do thám, giám sát và hỗ trợ hậu cần. Không giống con người, chúng có thể hoạt động liên tục và chịu đựng môi trường nguy hiểm trong thời gian dài, cung cấp hỗ trợ chiến trường không gián đoạn.
Dù Ukraine đang đạt được những tiến bộ công nghệ đáng kể, sự thành công của nước này vẫn phụ thuộc vào việc duy trì sự hỗ trợ từ phương Tây để củng cố vị thế chiến trường trước các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.