Đối ngoại Việt Nam: Những điểm sáng 2019 và tâm thế mới đón chào 2020

TS. Lê Hải Bình (Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương)| 24/01/2020 17:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên bình diện đối ngoại, Việt Nam tiếp tục là cái tên nổi bật ở khu vực và trên toàn thế giới với nhiều thành tựu đáng tự hào, không chỉ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, mà còn tham gia đầy trách nhiệm vào công việc chung của quốc tế.

Con tàu Việt Nam vững vàng tiến về phía trước

Khi 2019 sắp đi tới điểm kết thúc, có thể nói nhân loại lại đi qua một năm đầy sóng gió. Cuối 2018, kinh tế thế giới còn được dự báo đầy lạc quan, chỉ vài tháng đầu năm 2019, sự bi quan đã ập tới với những bóng đen ám ảnh của chu kỳ suy thoái, của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, của Brexit… Các điểm nóng trên thế giới không hề nguội đi. Trung Đông vẫn không thiếu bom đạn. Châu Âu vẫn trong không khí ngột ngạt của khủng bố, của cuộc đối đầu NATO - Nga. Tại Châu Á - Thái Bình Dương, sự bất ổn trải dài từ bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan cho đến biển Đông. Cạnh tranh nước lớn mà đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung buộc các nước phải quan tâm chú ý, điều chỉnh chính sách để thích ứng với môi trường đầy bất trắc. Những đứt gãy trong xã hội các nước, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy tiếp tục nổi lên. Làn sóng biểu tình lan tràn từ bờ Tây đến bờ Đông Thái Bình Dương, từ các nước Mỹ Latinh cho đến Đông Á.

Trong tâm điểm của Châu Á - Thái Bình Dương (rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) đầy sóng gió, con tàu Việt Nam vẫn vững vàng tiến về phía trước. Ở trong nước, an ninh - trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định, thế trận quốc phòng - an ninh được giữ vững và củng cố. Đặc biệt, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực. Trên bình diện đối ngoại, Việt Nam tiếp tục là cái tên nổi bật ở khu vực và trên toàn thế giới với nhiều thành tựu đáng tự hào, không chỉ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, mà còn tham gia đầy trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Đối ngoại Việt Nam: Những điểm sáng 2019 và tâm thế mới đón chào 2020

Lễ khởi động các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam  - Hoa Kỳ

Thứ nhất, trong bối cảnh đầy bất ổn của cạnh tranh nước lớn và chính trị cường quyền, công tác đối ngoại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững môi trường đối ngoại hòa bình và ổn định để đất nước tập trung phát triển kinh tế. Trước hết, môi trường đối ngoại được củng cố bởi nỗ lực đưa các mối quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới như Lào, Campuchia tiếp tục được tăng cường, đặc biệt thể hiện qua tần suất của các chuyến viếng thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước bạn. Đáng chú ý, đường biên giới trên bộ tiếp tục được gia cố vững chắc với việc ký 2 văn kiện pháp lý thành quả phân giới cắm mốc với Campuchia. Quan hệ với các thành viên trong gia đình ASEAN tiếp tục được củng cố, trong đó có việc nâng cấp quan hệ với Brunei lên đối tác toàn diện.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, quan hệ song phương của Việt Nam với các cường quốc vẫn tiếp tục phát triển tốt, mang lại cho đất nước cả nguồn lực để phát triển cũng như vị thế vững chắc hơn. Với Trung Quốc, bên cạnh việc xử lý vấn đề trên biển, quan hệ hai nước trên các kênh Đảng, Nhà nước, nhân dân và nhất là kinh tế - thương mại - đầu tư vẫn được duy trì trong quỹ đạo bình thường. Với Mỹ, việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, Tổng thống D. Trump trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ, đồng thời cũng là vị tổng thống đầu tiên đến Việt Nam ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương ở các cấp, các ngành giữa Việt Nam và Mỹ rất sôi động, thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ với Nga được đẩy mạnh với điểm nhấn là chuyến thăm cấp Nhà nước rất thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Quan hệ với Nhật tiếp tục gia tăng sự hiểu biết, hợp tác sâu rộng cùng có lợi thông qua việc trao đổi đoàn rất sôi động, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ đăng cơ của Nhật Hoàng mới. Quan hệ với Ấn Độ đi vào thực chất hơn trên nền tảng lòng tin chính trị truyền thống.

Việc củng cố, tăng cường các mối quan hệ song phương, đặc biệt là mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện đã giúp cho thế của đất nước ngày càng vững vàng hơn, cho phép chủ động, tự tin hơn trong ứng phó với các mối nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Việc nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 08 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là sự việc nghiêm trọng, diễn ra 5 năm sau sự việc Hải Dương 981 và trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những động thái mạnh bạo hơn trên biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam đã có đối sách ứng phó một cách cương quyết nhưng hài hòa, linh hoạt, dựa chắc trên luật pháp quốc tế. Sau hơn 3 tháng đấu tranh bền bỉ, bài toán khó đã được giải với việc Trung Quốc phải rút nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, trật tự an ninh xã hội ổn định, quan hệ song phương vẫn trong quỹ đạo phát triển bình thường. Đáng chú ý là, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ, được đánh giá là nhân tố đóng góp nổi bật cho hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Đối ngoại Việt Nam: Những điểm sáng 2019 và tâm thế mới đón chào 2020

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Nghị viện bang Hessen, CHLB Đức

Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế thế giới có những bước khúc khuỷu, công tác đối ngoại đã góp phần thu hút nguồn lực, mở rộng thị trường quốc tế. Với tầm nhìn chiến lược của Đảng về việc chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, các các hiệp định tự do thương mại quan trọng bắt đầu phát huy tác dụng trong năm qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu đi vào triển khai hiệu quả, mang lại nhiều giá trị thiết thực.

Điểm sáng gây ngạc nhiên lớn cho bạn bè quốc tế là việc ký kết với EU 3 Hiệp định quan trọng: Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) và Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động khủng hoảng của EU (FPA). Trong bối cảnh nội bộ châu Âu đang rất phức tạp, nhiều xáo trộn, việc hoàn tất các hiệp định quan trọng này ngay trước thời điểm bầu cử nghị viện châu Âu là nỗ lực rất lớn, thể hiện sự quyết tâm, linh hoạt của Chính phủ Việt Nam trên nền tảng lợi ích quốc gia - dân tộc. Đối với Mỹ, mặc dù chính quyền Trump tiếp tục nhấn mạnh vấn đề thâm hụt thương mại ngay cả với đồng minh, việc ứng xử khéo léo với Mỹ đã không chỉ giữ vững mà còn tiếp tục mở rộng thị trường quan trọng này. Trong bối cảnh có diễn biến phức tạp ở biển Đông, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn phát triển tốt,Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đáng chú ý, đối sách phù hợp và kịp thời giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã giúp Việt Nam tận dụng được nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Năm 2019 tiếp tục chứng kiến làn sóng đầu tư lớn vào Việt Nam. Điều đáng chú ý, với quan điểm rất rõ ràng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, làn sóng đầu tư này được chọn lọc kỹ lưỡng, đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững cho đất nước. Quan hệ hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ cũng góp phần giúp Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Thứ ba, giữa những bất ổn của khu vực, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, uy tín đất nước được tăng cường. Vị trí chiến lược của Việt Nam giữa trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang đến cả cơ hội và thách thức. Trong vòng xoáy cạnh tranh nước lớn, với vị trí đặc thù, là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam là một trong những đối tượng của tranh giành ảnh hưởng của nước lớn. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong năm qua Việt Nam không chỉ giữ vững mà còn nâng cao vượt bậc vị thế của mình. Đáng chú ý là Việt Nam trở thành tâm điểm của thế giới khi đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Việc được lựa chọn làm chủ nhà cho sự kiện quốc tế quan trọng này thể hiện uy tín quốc tế của đất nước, được tích lũy qua hơn 30 năm đổi mới thành công. Bởi lẽ, không phải đơn giản mà Mỹ và CHDCND Triều Tiên đồng thuận lựa chọn Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - làm địa điểm gặp gỡ thượng đỉnh. Đó phải là sự an toàn tuyệt đối, là sự ổn định chính trị, là sự tin cậy đối với cả hai bên. Đó còn là khả năng đáp ứng về các yêu cầu rất cao về hạ tầng, dịch vụ. Với chỉ hơn một tuần chuẩn bị, Việt Nam đã chứng tỏ không chỉ với Mỹ và CHDCND Triều Tiên, mà còn với cả khu vực và thế giới, về khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Hơn thế nữa, trong vòng một tuần diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, Việt Nam đã trở thành tâm điểm của thế giới, với sự có mặt của hàng ngàn phóng viên nước ngoài, đại diện của hầu hết các hãng truyền thông lớn toàn cầu. Hình ảnh một Việt Nam thân thiện, an toàn, năng động, đổi mới được chuyển tải đi toàn thế giới, chứng minh cho đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng ta, cho sức sống mãnh liệt của đất nước. Uy tín của đất nước còn được minh chứng hùng hồn với việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với số phiếu kỷ lục 192/193, cao nhất trong lịch sử bầu cử của tổ chức này từ trước đến nay. Bên cạnh đó, việc tham gia tích cực vào các hoạt động của ASEAN, APEC, ASEM… tiếp tục thể hiện một Việt Nam với thế và lực mới, đầy tự tin và trách nhiệm với công việc chung của nhân loại. Các chiến lược mới, chính sách đối ngoại mới của các cường quốc đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều thể hiện việc coi trọng ASEAN, trong đó có Việt Nam hoặc thậm chí nêu rõ Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực.

Đối ngoại Việt Nam: Những điểm sáng 2019 và tâm thế mới đón chào 2020

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và Công nghệ Slovenia

Để có được những thành tựu đáng khích lệ đó trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý, với sự quan tâm sâu sát, các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã tham gia trực tiếp các hoạt động đối ngoại, góp phần trực tiếp vào các thành công đối ngoại của đất nước. Điểm sáng đáng chú ý nữa là sự phối hợp đồng bộ hơn, hiệu quả hơn của các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và Quốc hội, đối ngoại nhân dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao, quốc phòng và an ninh cũng tạo nên thế chân kiềng vững chắc, bổ sung lẫn nhau, củng cố môi trường đối ngoại ổn định của đất nước. Đáng chú ý, quan hệ đối ngoại quốc phòng có những điểm sáng mới, trong đó có việc hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” được nêu bật thông qua hoạt động trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi.

Những điểm nhấn của năm 2020

Những thành tựu đối ngoại của năm 2019 vừa góp phần vào thành công chung của đất nước, vừa tạo đà cho những trọng trách quốc tế to lớn mà Việt Nam đảm trách trong năm 2020.

Năm 2020 có những điểm nhấn rất đáng chú ý. Đối với Đảng ta và đất nước, đây là năm rất quan trọng thực hiện đại hội các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm thành lập nước Việt Nam mới, 45 năm ngày thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Trong khi đó, bối cảnh quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới có biểu hiện suy thoái, tài chính và thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Nội bộ các nước lớn tiếp tục có diễn biến phức tạp. Mỹ sẽ bước vào năm bầu cử tổng thống trong bối cảnh tổng thống D. Trump gặp nhiều thách thức lớn trước sức ép của đảng Dân chủ. Trung Quốc cũng còn phải xử lý nhiều vấn đề gai góc, bao gồm cả kinh tế - chính trị - xã hội. Khó khăn nội bộ sẽ khiến các nước lớn có xu hướng điều chỉnh chính sách đối ngoại. Do đó, cạnh tranh nước lớn sẽ biến động phức tạp hơn, ảnh hưởng đến cục diện khu vực và thế giới nói chung cũng như đối với mỗi nước vừa và nhỏ nói riêng. Cuộc cách mạng KHCN 4.0 tiếp tục có tác động sâu sắc, nhiều chiều đến đời sống nhân loại. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bối cảnh đó mang lại cho công tác đối ngoại của Việt Nam nhiều cơ hội lớn, song cũng đặt đất nước trước nhiều thách thức không nhỏ. Cơ hội, thách thức song hành ngay trong nhiệm vụ đối ngoại then chốt nhất của năm 2020, đó là việc đảm nhiệm trọng trách quốc tế kép chưa từng có khi Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020, đồng thời cũng đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA/LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021, trong đó Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA ngay từ tháng 1/2020. Bối cảnh và thời điểm lịch sử mang lại cho Việt Nam cơ hội to lớn để phát huy vai trò, nâng cao vị thế đất nước, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với các đối tác lớn, qua đó huy động nguồn lực phát triển đất nước.

Các nhiệm vụ quốc tế lớn nêu trên được triển khai với nhiều thuận lợi cũng như khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là cơ đồ đất nước đã lớn mạnh vượt bậc sau hơn 30 năm đổi mới. Thành công trong xây dựng, phát triển đất nước và đối ngoại giúp Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ với tâm thế mới, vững vàng hơn, đĩnh đạc hơn. Với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên trách nhiệm vì lợi ích chung của nhân loại, Việt Nam được nhiều đối tác ủng hộ, hỗ trợ. Đồng thời, cùng với tiến trình hội nhập, Việt Nam cũng đã tích lũy kinh nghiệm ngoại giao đa phương một cách dày dặn. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 1998 và 2010; Chủ tịch APEC năm 2006 và 2017 và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Một thuận lợi khác là việc ASEAN ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác, HĐBA/LHQ vẫn đang là thiết chế quan trọng hàng đầu để quyết định các vấn đề an ninh - chính trị thế giới trong một thế giới đầy biến động.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng tồn tại nhiều khó khăn. Về chủ quan, trước hết là nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhất là việc đồng thời đảm nhiệm hai nhiệm vụ quốc tế lớn, trong khi các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương khác cũng còn nhiều bộn bề. Một thách thức lớn khác là xu thế đơn phương, chính trị cường quyền đang nổi trội, có lúc lấn át xu thế đa phương. Đồng thời, nhiều vấn đề khu vực như biển Đông, bán đảo Triều Tiên… và các vấn đề lớn khác ở Trung Đông, Mỹ Latinh chưa được giải quyết triệt để. Sự khác biệt trong lợi ích của các nước, nhất là nước lớn, sẽ tiếp tục là những vấn đề nổi lên, ảnh hưởng đến việc điều phối quan điểm, lập trường của ASEAN cũng như tiến trình ra quyết sách ở HĐBA/LHQ.

Nhận thức rõ những khó khăn và thuận lợi cơ bản đó, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị căn cơ từ rất sớm. Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 được thành lập ngay từ đầu năm 2019. Nhiều hội nghị, tọa đàm khoa học để đúc rút, học hỏi kinh nghiệm, nhận định tình hình liên quan ASEAN, HĐBA/LHQ đã được tổ chức trong cả năm 2019. Bạn bè quốc tế đánh giá cao những bước đi sớm nêu trên, cho rằng điều này thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam. Đồng thời, thông qua các hoạt động này, Việt Nam cũng vận động, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè và các đối tác quốc tế đối với việc đảm nhiệm các trọng trách sắp tới. Có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với thế và lực của đất nước, với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm và công tác chuẩn bị nghiêm túc, Việt Nam đã hoàn toàn tự tin để gánh vác nhiệm vụ quốc tế, đồng thời hoàn thành các trọng tâm đối ngoại khác trong năm 2020.

Năm 2019 qua đi với nhiều thách thức, biến động to lớn của thế giới và khu vực, cả về kinh tế, chính trị, an ninh và xã hội. Trong bối cảnh đó và nhất là trong vòng xoáy của cạnh tranh nước lớn ở khu vực, với nguyên tắc tối cao vì lợi ích quốc gia - dân tộc, với sự chỉ đạo sáng suốt của Lãnh đạo cấp cao, với phương cách ứng xử hài hòa, linh hoạt, Việt Nam đã không chỉ hóa giải thách thức mà còn tận dụng mọi cơ hội để đạt được nhiều thành tựu đối ngoại to lớn. Trên nền tảng cơ đồ đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, những thành tựu 2019 thực sự là bước đà quan trọng để Việt Nam tự tin bước vào 2020 với tâm thế mới, sẵn sàng đảm nhiệm thành công trọng trách quốc tế kép chưa từng có trong lịch sử đất nước cũng như gặt hái các thành tựu đối ngoại lớn khác, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối ngoại Việt Nam: Những điểm sáng 2019 và tâm thế mới đón chào 2020