Liên quan công tác đối ngoại trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12, sau khi các đại biểu dự Hội nghị đọc tham luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đối nội - đối ngoại có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là Hội nghị đối ngoại đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức, thực hiện để bàn về đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân của cả hệ thống chính trị.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang phấn đấu triển khai nghị quyết Đại hội Đảng XIII một cách đồng bộ, toàn diện, trên tất cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại.
Theo Tổng Bí thư, hiện Việt Nam đang có nhiều chuyển biến thuận lợi, thời cơ lớn nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt hơn so với dự báo. Đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tác động nhiều mặt, gây ra nhiều tổn thất nặng nề đối với nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiểu bào ở nước ngoài, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch, bước vào trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế xã hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới, đòi hỏi Việt Nam phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp với ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Kể từ sau thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng XIII đến nay, Việt Nam đã có một loạt các hoạt động, gần đây nhất là Hội nghị Văn hoá, Hội nghị Xây dựng Đảng… và nay là Hội nghị Đối ngoại.
Tổng Bí thư khẳng định: “Đối ngoại và đối nội như hai cánh của một con chim, đòi hỏi sự phối hợp rất nhịp nhàng với nhau”.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư cho rằng Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần này là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp các ngành trong hoạt động đối ngoại.
“Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển đều phải xử lý 2 vấn đề cơ bản, đó là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày một chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ vào sâu rộng như hiện nay. Đối ngoại ngày nay không chỉ là nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Tạo dựng truyền thống, bản sắc riêng của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam
Tổng Bí thư chia sẻ: “Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, độc lập tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất di bất dịch, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta, hình thành các cuộc chiến đấu ngoan cường, bảo vệ giang sơn, độc lập chủ quyền của đất nước. Ông cha ta đã luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng những truyền thống và bản sắc riêng rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam”.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, là người đã đặt nền móng trực tiếp và chỉ đạo, dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Những nội dung cơ bản và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của cha ông ta.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển những giá trị đó lên một tầm cao mới, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hoá và tinh thần ngoại giao của thế giới. Trong đó, luôn luôn đề cao độc lập dân tộc, tinh thần hoà hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột, gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hoà nhập vào dòng chảy của thời đại.
“Người chủ trương độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tự lực, tự cường, gắn sự đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc để gắn với sức mạnh của thời đại; chăm lo xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ; biết mình, biết người, làm chủ vị thế, hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn; đặc biệt coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn; đưa chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn; biết mình, biết người; biết thời, biết thế; nhu - cương kết hợp, vì lợi ích tối cao của dân tộc”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kết thừa và phát huy bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc, tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động ngoại giao tạo ra bản sắc riêng rất độc đáo, hòa khí hòa hiếu, trọng nghĩa khí, "đem đại nghĩa thắng hung tàn" - Tổng Bí thư trích Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi và cho rằng đây là nguyên tắc bất di bất dịch, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để đất nước muôn thuở thái bình.
Tổng Bí thư nhắc lại dịp sang làm việc với Bộ Ngoại giao cách đây mấy năm và có ví ngoại giao chúng ta là "ngoại giao cây tre Việt Nam". "Thân gầy guộc lá mong manh, mà sao nên lũy nên thành tre ơi" - Tổng Bí thư trích dẫn và nhấn mạnh, trường phái ngoại giao Việt Nam rất độc đáo và đặc sắc, từ đây có thể gọi là "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Theo Tổng Bí thư, sở dĩ ví như vậy bởi sự đặc biệt của cây tre là rất mềm dẻo, rất kiên cường, thành cây tre, khóm tre, lũy tre.
"Khi là măng thì măng mọc thẳng, rồi đẻ ra thành khóm thành bụi, rễ chằng chịt với nhau… Rễ tre bám rất chắc với nhau, rất mềm mại. Khi chẻ lạt thì lạt mềm buộc chặt. Tôi mạnh dạn ví đường lối đối ngoại của chúng ta là trường phái riêng, tạm gọi là cây tre Việt Nam. Gốc vững chắc, cành uyển chuyển. Cây tre Việt Nam, mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường".
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, nền ngoại giao thấm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam đó là mềm mại khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, nhu - cương kết hợp đúng theo trường phái rất riêng "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Đạt được nhiều kết quả thành tích rất tốt đẹp, nổi bật
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng về công tác đối ngoại, trong 35 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khóa XII gần đây, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả thành tích rất tốt đẹp, nổi bật là 4 vấn đề sau đây:
Một là, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tạo dựng và củng cố được ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Cho đến nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Từ đó, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi quốc tế đối với công cuộc đổi mới của nhân dân ta.
Hai là, Việt Nam đã tạo dựng được một môi trường quốc tế thuận lợi, huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội.
Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây cấm vận, đến nay, Việt Nam đã trở thành nước có nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 3 hiệp định thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, hình thành mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới.
Nếu cách đây 30 năm, Việt Nam mới có quan hệ kinh tế thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đạt khoảng 600 tỷ USD, gấp khoảng 120 lần so với năm đầu của thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã thu hút được 400 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, trong đó giải ngân được khoảng 250 tỷ USD…
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã huy động được nguồn lực to lớn của kiều bà ta để đóng góp vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, Việt Nam đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19 đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.
Ba là, đối ngoại đã đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Các vấn đề biên giới với các nước liên quan từng bước được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để bảo vệ chủ quyền, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời góp phần vào việc củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Đối với những vấn đề phức tạp về biên giới lãnh thổ, Việt Nam luôn luôn giơ cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi đàm phán với các nước liên quan, kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và phải bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Bốn là, vị thế quốc tế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ thế giới.
Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng, với tư cách là Ủy viên không thường trực hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN… Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi.
Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình, trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn, đầy sức thuyết phục, Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó mà vị thế và uy tín của Việt Nam ngày nay càng được nâng cao trên trường quốc tế. Những cố gắng, thành công đó đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Sau 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
Xây dựng vị thế, tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước
Tổng Bí thư cho biết, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, đề ra Chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2025-kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình; đến năm 2030-kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045-kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, theo Tổng Bí thư, Đại hội cũng đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với những nội dung cốt lõi sau:
Về tư tưởng chỉ đạo: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng.
Về nguyên tắc đối ngoại: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Để góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất đỗi vẻ vang trong tình hình, bối cảnh nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nhấn mạnh thêm một số vấn đề.
Một là, Việt Nam cần tiếp tục thường xuyên, theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại.
“Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới và không nắm bắt đúng tình hình thì không theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Vấn đề là chúng ta phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương. Thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác nhiều sau 35 năm đổi mới. Đặc biệt, các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam đòi hỏi nước ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực. Đồng thời, cũng phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng", "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước. Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong việc bảo đảm môi trường hoà bình, một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ.
Thứ ba, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương.
Thứ tư là cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà nước ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.
Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước.
Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các thoả thuận FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương thế hệ mới với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn. Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Các cơ quan có trách nhiệm cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế, luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi để bà con ta tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc để yên tâm hoà hợp, sinh sống, làm việc, học tập, giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hoá của Dân tộc ta.
Thứ năm, hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó liên quan đến nội dung về đào tạo đội ngũ cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ, chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bả lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Các đồng chí phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’, vướng vào tham nhũng, tiêu cực. Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.