Đổi mới tư duy xét xử của các Thẩm phán là yêu cầu cấp thiết hiện nay

TS. Phạm Minh Tuyên| 12/09/2019 08:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để TAND thực sự là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là nơi người dân tìm đến gửi gắm niềm tin vào công lý, thì việc đổi mới tư duy xét xử của các Thẩm phán là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định và làm rõ nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, Hiến pháp 2013 đã điều chỉnh lại nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, khẳng định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp cùng với việc tăng tính độc lập của Tòa án. Đây cũng là sự khẳng định vị thế của Tòa án trong bộ máy nhà nước.

Chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên

Có thể nói, trong những năm qua, chất lượng xét xử của hệ thống TAND không ngừng được nâng lên; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa liên tục giảm dần qua các năm. Tòa án các cấp đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều vụ án lớn được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Từ năm 2016 đến năm 2018, các Tòa án đã xét xử đạt tỷ lệ 93,5% về số vụ, 93,6% số bị cáo phạm các tội tham nhũng, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.

Hệ thống TAND có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong phạm vi cả nước; tập trung xây dựng TAND công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Hệ thống tổ chức của Tòa án các cấp không ngừng được hoàn thiện, có đội ngũ cán bộ trưởng thành qua thực tiễn, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Các Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán.

Tuy nhiên, do mô hình tố tụng của chúng ta hiện nay không hẳn là tố tụng tranh tụng và cũng không hẳn là tố tụng thẩm vấn, mà là sự kết hợp giữa mô hình tố tụng với mô hình thẩm vấn. Đặc biệt là các quy định tại các Bộ luật Tố tụng 1988 và 2003, lại nghiêng nhiều về mô hình tố tụng thẩm vấn, do vậy vấn đề tranh tụng tại phiên tòa chưa được coi trọng. Chỉ đến khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới”; Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” thì vấn đề tranh tụng tại phiên tòa mới được quan tâm và chất lượng xét xử cũng được nâng cao hơn.

Đổi mới tư duy xét xử của các Thẩm phán là yêu cầu cấp thiết hiện nay

Ảnh minh họa

Với mô hình tố tụng của Việt Nam hiện nay, Tòa án đóng vai trò tích cực trong quá trình xét xử. Tòa án công bố lời khai của người làm chứng vắng mặt; tại phiên tòa - ở phần xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa là người hỏi trước bị cáo rồi mới đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Hội đồng xét xử trực tiếp hỏi bị cáo, người làm chứng, yêu cầu sự có mặt và sự giám hộ của cha mẹ của những bị cáo chưa thành niên; thực hiện những biện pháp bảo vệ an toàn cho người làm chứng; thậm chí, Hội đồng xét xử đi cùng Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được hoặc đến nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án...

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong quá trình xét hỏi ấy, các chứng cứ được thu thập đầy đủ đến đâu, được đánh giá và phản ánh như thế nào vào biên bản phiên tòa, đóng vai trò đến đâu trong nội dung phát biểu của các chủ thể khác trong việc hình thành quan điểm của họ trong phần tranh luận, cuối cùng là trong phòng nghị án và trong bản án - phần lớn phụ thuộc vào quan điểm, vị trí chủ động tích cực đó của Tòa án. Đương nhiên, với cách thức tố tụng này thì vai trò của Tòa án là rất cần thiết và quan trọng như là vai trò của người dẫn dắt quá trình xét xử.

Song, với quy định như vậy đã dẫn đến tư duy của Thẩm phán quá lệ thuộc vào kết quả điều tra và nội dung của bản cáo trạng dẫn đến tồn tại quá lâu tư duy “án tại hồ sơ”, “án bỏ túi”. Với tư duy như vậy, không ít Thẩm phán đã “quên” mất chức năng xét xử của mình mà lại quá sa đà vào chức năng buộc tội thay cho Kiểm sát viên, dẫn đến việc không coi trọng những diễn biến của phiên tòa cũng như không đánh giá chính xác các chứng cứ của vụ án được thu thập trong quá trình điều tra có phải là “những gì có thực” hay không mà đã dùng ngay những chứng cứ đó để chứng minh tội phạm theo như Cáo trạng của Viện kiểm sát và luận tội của Kiểm sát viên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của các vụ án oan sai trong thời gian qua.

Đổi mới tư duy xét xử theo tinh thần Hiến pháp 2013

Với chức năng là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp như quy định của Hiến pháp năm 2013 và với nội dung  định hướng của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định trong công tác tư pháp, Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhận định “Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể...”. Với thiên chức thiết lập công lý đó, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Tòa án cần “hướng đến giải quyết được hầu hết mọi tranh chấp xuất hiện trong đời sống xã hội”.

Như vậy có thể thấy, vị thế của Tòa án ngày càng được nâng cao, kỳ vọng của người dân và xã hội đối với hoạt động xét xử của Tòa án ngày càng nhiều hơn đòi hỏi các Thẩm phán phải có những tư duy đổi mới trong hoạt động xét xử bởi lẽ: Xét xử vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự mà Tòa án có thẩm quyền tiến hành xem xét, giải quyết vụ án và nhân danh Nhà nước mà ra bản án. Nhiệm vụ lớn nhất của giai đoạn xét xử là ra được bản án, quyết định bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đòi hỏi đội ngũ Thẩm phán cần phải đổi mới tư duy trong xét xử như: Cần bỏ ngay lối tư duy “án tại hồ sơ” mà phải thay đổi theo hướng tư duy “án tại phiên tòa” và cần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Nói như vậy không phải các Thẩm phán không coi trọng kết quả điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Song, các Thẩm phán cần phải chú trọng tới diễn biến tại phiên tòa vì các phán quyết của hội đồng xét xử phải dựa trên diễn biến thực tế tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hoạt động này thể hiện rõ nét nhất tại phần thẩm vấn tại phiên tòa, đây là vấn đề trọng tâm của hoạt động xét xử.

Các Thẩm phán cần có tư duy tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động xét xử. Suy đoán vô tội hay giả định vô tội, là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Song đối với chúng ta thì phải tới Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, suy đoán vô tội mới được đưa vào là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Do vậy, đòi hỏi các Thẩm phán cũng cần phải có tư duy nắm bắt được nội hàm của nguyên tắc này mà ở đó nội dung cốt lõi của nguyên tắc cho rằng mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội.

Nguyên tắc này được áp dụng trong các cáo buộc của phiên tòa hình sự. Các bằng chứng cáo buộc mà bên công tố hoặc viện kiểm sát đưa ra phải đủ khả năng thuyết phục hội đồng xét xử về tính chân thật của cáo buộc. Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Việc tìm bằng chứng đủ khả năng thuyết phục thuộc về bên công tố.

Cần cụ thể hóa và bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ về độc lập của Tòa án, Thẩm phán trong Điều 103. Quy định này của Hiến pháp 2013 là hết sức cần thiết và quan trọng đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Song cho tới nay nguyên tắc này vẫn chưa được cụ thể hóa trong toàn bộ hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án, các thể chế tố tụng nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ nguyên tắc độc lập tư pháp.

Để TAND thực sự là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là nơi người dân tìm đến gửi gắm niềm tin vào công lý và để Tòa án không chỉ là nơi phải thi hành công lý mà còn là nơi công lý được thi hành thì việc đổi mới tư duy xét xử của các Thẩm phán là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tư duy xét xử của các Thẩm phán là yêu cầu cấp thiết hiện nay