Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND các cấp: Góp phần công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án

Trần Quang Huy| 22/07/2015 07:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, TANDTC đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tòa án các cấp tiến hành việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án.

Chánh án TANDTC đã có Chỉ thị yêu cầu các Tòa án “Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp nhằm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án”.

Tăng cường áp dụng cải cách hành chính tư pháp tại các đơn vị

Một trong những ỵêu cầu mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra là “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn”. Quán triệt tinh thần trên, trong những qua, các TAND cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị thuộc TANDTC đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các vụ án và công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Các hoạt động tập trung vào việc đổi mới, cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình, thủ tục hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của công dân trước và sau phiên tòa xét xử. Các cải cách tập trung vào việc tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện; hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến; đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết; tiếp công dân và công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án…

Tại TANDTC, việc cấp trích lục án, cấp bản án cho công dân và các cơ quan hữu quan được giải quyết trong ngày; công tác phát hành bản án đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; việc cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi đương sự đúng hạn, đúng tố tụng. Các luật sư luôn được tạo điều kiện khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa. Việc tiếp nhận, xử lý đơn và công văn tập trung vào một đầu mối nên thuận lợi cho công tác điều hành, kiểm tra, báo cáo, không để xảy ra tình trạng bị thất lạc hồ sơ; hạn chế được tình trạng thụ lý tràn lan không đúng quy định của pháp luật hoặc không tiếp nhận, thụ lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự. Bên cạnh đó, các cán bộ, Thẩm phán được phân công tiếp công dân đã chú trọng giải thích pháp luật về các quyền và nghĩa vụ của đương sự, trường hợp đương sự chưa cung cấp đầy đủ giấy tờ, tài liệu thì hướng dẫn bổ sung, hạn chế tối đa tình trạng giải quyết chậm hoặc quá hạn các đơn đã nhận.

Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND các cấp: Góp phần công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án

Khu hành chính tư pháp và tiến hành tố tụng TAND TP Hà Nội

Tại các TAND địa phương, được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (Dự án JUDGE), TANDTC đã lựa chọn 3 TAND cấp tỉnh là: Hưng Yên, Thừa Thiên- Huế, Vĩnh Long để làm thí điểm thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính tư pháp và đã đưa lại những kết quả cụ thể về các qui trình, thủ tục hành chính mới tại Tòa án theo hướng “một cửa”. Áp dụng cải cách thủ tục hành chính tư pháp đã tiết kiệm thời gian, công sức của người dân; năng lực chuyên môn, thái độ công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường.

 Trên cơ sở tổng kết và nhân rộng mô hình cải cách thủ tục hành chính tư pháp của 3 TAND cấp tỉnh nêu, hiện nay đã có nhiều TAND tỉnh, thành phố cũng đang áp dụng mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” hoặc mô hình Tổ Hành chính tư pháp. TAND cấp tỉnh thì thành lập Tổ Hành chính tư pháp trực thuộc Văn phòng TAND tỉnh có nhiệm vụ giúp việc cho Chánh án trong tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại, thụ lý các loại án thuộc thẩm quyền; tham mưu lập danh sách các loại vụ án để trình Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết. Hoạt động này được thực hiện theo quy trình khép kín (một cửa). Người dân, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác qua Tổ Hành chính tư pháp sẽ có cán bộ hướng dẫn mọi thủ tục liên quan đến hoạt động của Tòa án.

 Công tác thụ lý vụ án do Tổ Hành chính tư pháp thực hiện theo quy trình tương đối độc lập với các Tòa chuyên trách; hệ thống theo dõi, quản lý án trên phần mềm kết hợp với việc theo dõi qua hệ thống sổ sách theo cơ chế một cửa luôn đảm bảo chặt chẽ. Việc lên lịch xét xử tập trung đã tránh được tình trạng trùng lịch, nên các Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ động được kế hoạch công tác trong tháng. Đối với TAND cấp huyện, việc tiếp nhận đơn khởi kiện, hồ sơ vụ án được bố trí tập trung về một bộ phận và bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện; hàng tuần, lãnh đạo đều có lịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của công dân để giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của Tòa án.

Hiệu quả của cải cách hành chính tư pháp

Việc thành lập Tổ Hành chính tư pháp với chức năng, nhiệm vụ nói trên không vi phạm các quy định của pháp luật tố tụng, đồng thời phù hợp với xu thế “Chuyên môn hóa cao kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại”. Cải cách hành chính tư pháp đã nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án của Tòa án, đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân. Việc giải đáp và hướng dẫn trực tiếp cho người dân của Tổ Hành chính tư pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực, số lượt người phải đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một vụ việc giảm hơn trước, khắc phục được tình trạng nộp đơn tràn lan, không có căn cứ. Số lượng thông báo bổ sung đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ giảm; các trường hợp khiếu nại về thái độ, hành vi, cách ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án cũng giảm rõ rệt. Việc thiết lập cơ chế Hành chính tư pháp “một cửa” cũng là điều kiện để cán bộ công chức tạo cho mình một phong cách làm việc thân thiện, gân gũi, cầu thị, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với hệ thống Tòa án.

Mặc dù công tác cải cách hành chính tư pháp tại các Tòa án đã đạt được những kết quả nhất định, song việc triển khai thực hiện công tác này trong thời gian qua tại các Tòa án chưa đồng đều. Mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” mặc dù đã thể hiện nhiều ưu điểm, nhưng vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các Tòa án. Một số thủ tục hành chính tư pháp trong quan hệ với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động tố tụng thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án và việc phân công, phân định trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong hoạt động tố tụng và hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án chưa được rõ ràng. Mô hình tổ chức bộ máy và quy trình thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp không thống nhất, có nơi giao cho bộ phận hành chính tư pháp, có nơi giao cho Văn phòng Tòa án thực hiện, có nơi thì giao trực tiếp cho các Tòa chuyên trách thực hiện. Mặt khác, trang thiết bị và môi trường làm việc để tiến hành các hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp chưa hiện đại, khoa học, đặc biệt là trang thiết bị làm việc của hầu hết các TAND cấp huyện còn thiếu thốn, lạc hậu.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp

Để công tác cải cách hành chính tư pháp tại các Tòa án ngày càng hiệu quả, TANDTC đang nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Thông tư của Chánh án TANDTC) hướng dẫn về các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án. Trong đó, quy định rõ những hoạt động cụ thể, quy định những quy trình của từng hoạt động nhằm tạo ra quy trình xử lý thống nhất tại các Tòa án. Trên cơ sở đó, các Tòa án thiết kế bộ máy và bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp, đồng thời xây dựng các phần mềm ứng dụng để nâng cao hiệu quả của từng khâu, từng hoạt động. TANDTC cũng tiến hành xây dựng và thực hiện thống nhất mô hình về tổ chức bộ máy, hệ thống chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại các Tòa án, đảm bảo sự tách bạch giữa hoạt động hành chính tư pháp với hoạt động xét xử. Theo đó, mỗi đơn vị Tòa án thành lập một bộ phận chuyên trách thực hiện công tác này với quy trình tiếp nhận và trả hoặc thông báo kết quả giải quyết theo thủ tục đơn giản, thuận tiện nhất cho các cơ quan, tổ chức và công dân. Thiết lập và công khai đường dây nóng tại tất cả các Tòa án để tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh hoặc yêu cầu giải quyết công việc của họ có liên quan đến hoạt động của Tòa án.

Hiện tại, TAND các cấp đang từng bước nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công chức, trong đó quan tâm việc đào tạo trình độ về tin học, thường xuyên tập huấn việc sử dụng các phần mềm và sử dụng, vận hành thành thạo các phương tiện điện tử trong hoạt động tác nghiệp nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện chủ trương tin học hóa và vận hành có hiệu quả mô hình Tòa án điện tử trong tương lai. TANDTC cũng tập trung, ưu tiên kinh phí cho việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường làm việc hiện đại, khoa học cho các Tòa án và các hoạt động triển khai các đề án tin học hóa, đào tạo nâng cao trình độ tin học cho cán bộ, công chức Tòa án các cấp.

Nhóm các giải pháp về lâu dài, TANDTC sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để thực hiện việc tin học hóa trong hoạt động tố tụng và hành chính tư pháp tại Tòa án. Cụ thể là việc tiếp nhận các loại đơn, tài liệu, thụ lý vụ án, tổ chức giải quyết một số khâu trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu, thông báo lịch xét xử, triệu tập đương sự bằng hình thức trực tuyến (online); công nhận giá trị phiên bản điện tử các bản án, quyết định của Tòa án để cung cấp cho đương sự; xây dựng các phòng xét xử điện tử để thực hiện việc tự động ghi âm, ghi hình, chụp chiếu các tài liệu, chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa; nghiên cứu việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến.

Bên cạnh đó, TAND các cấp sẽ triển khai số hóa và thực hiện việc quản lý, lưu trữ, khai thác, tiếp cận hồ sơ, tài liệu có trong hồ sơ các vụ án cũng như trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử; thực hiện việc chuyển các hồ sơ, tài liệu chủ yếu bằng phiên bản điện tử giữa các Tòa án với nhau. TANDTC xây dựng hệ thống quản lý, chỉ đạo điều hành các hoạt động của Tòa án theo hướng tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, báo cáo, tổ chức hội nghị, hội thảo bằng phương thức trực tuyến. Cùng với đó, Tòa án các cấp sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các hoạt động của các Tòa án liên thông với hệ thống tương ứng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội để kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin, văn bản cần thiết giữa các cơ quan.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND các cấp: Góp phần công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án