Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi

Ngô Chuyên| 21/09/2018 12:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định”, là chia sẻ của đại biểu tại Hội thảo khoa học “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức".

Một bộ phận cán bộ quản lý chưa năng động và sáng tạo

Trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội về 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW, các nghiên cứu đã tổng kết lý luận và kinh nghiệm. Nhóm nghiên cứu khảo sát hơn 2500 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, trao đổi, phỏng vấn được trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia của các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành; phỏng vấn gần 1000 học sinh và sinh viên, 500 cha mẹ học sinh.

Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi

Hội thảo khoa học lần này lắng nghe những nghiên cứu cũng như đánh giá của các nhóm nghiên cứu. Ảnh NC.

Qua đó, nhóm nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã tập hợp các cơ sở dữ liệu từ các bộ ngành và các cơ quan trong khoảng thời gian 5 năm. Tập trung khảo sát, làm rõ và đánh giá những thay đổi, chuyển biến của nền giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29 với 3 chủ đề: Những đổi mới về tự chủ đại học; Đổi mới về thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục; Đổi mới trong giáo dục phổ thông.

Chia sẻ về nghiên cứu đổi mới giáo dục phổ thông, thay mặt nhóm, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận sự chuyển biến về giáo dục phổ thông trong 5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29, ở góc độ nào đó, chất lượng giáo dục phổ thông, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới và đã được Ngân hàng thế giới công bố Việt Nam có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của giáo dục phổ thông là một bộ phận cán bộ quản lý chưa năng động và sáng tạo.

Ví như khả năng thích ứng và sức ì của một bộ phận giáo viên cản trở việc việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Chương trình mới đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu; Chương trình hiện hành đang còn chú trọng về nội dung kiến thức.

Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ về chính sách như: Chính sách về trường chuẩn nhưng chi phí cho cơ sở vật chất chưa theo kịp; Chính sách về chuẩn giáo viên nhưng chính sách về đào tạo và bồi dưỡng chưa theo kịp.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước: Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ; Tăng cường xã hội hóa.

Điều chỉnh lương cho giáo viên theo tiếp cận nhu cầu, vị trí việc làm. Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý các kiến thức quản trị cập nhật, thực tiễn đáp ứng chuẩn.

Thiết kế chương trình phổ thông tăng cường tính cá nhân hóa; chọn lựa môn học; Sự triển khai chương trình cần theo lộ trình và căn cứ vào điều kiện vùng miền…

Đổi mới thi và kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ

Tại hội thảo, đại diện nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới thi và kiểm tra, theo Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Nghị quyết 29 được thể chế hoá bằng chính sách ở tất cả bậc đào tạo: Trọng tâm định lượng sang trọng tâm định tính ở bậc tiểu học; Đánh giá tổng kết – đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra đối với bậc trung học và đại học.

Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi

Ảnh minh họa. NC.

Duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Theo đó, tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; Kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình; Tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện: tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn...

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, đổi mới thi và kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá: Chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức; Số học sinh trên lớp học quá đông khó triển khai đổi mới; Tâm lí thi cử nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả.

Một số chương trình đào tạo giáo viên trước đây chưa có chuyên đề riêng biệt về kiểm tra đánh giá. Tổ chức kì thi trung học phổ thông quốc gia: Vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị cơ quan quản lý, thể chế hoá chính sách; đồng bộ chương trình và chính sách kiểm tra đánh giá; Quy định về số lượng học sinh/lớp phù hợp với đánh giá năng lực; Đẩy mạnh công tác tư vấn, phân luồng, giảm áp lực thi cử.

Nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, đặc biệt là năng lực kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, tiếp tục duy trì mô hình thi quốc gia để đảm bảo tính ổn định, phát huy những điểm tích cực. Bên cạnh đó, cần bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích hợp; hoàn thiện kĩ thuật; Điều chỉnh văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giám sát…

Công khai dạng thức và đề thi trên mạng, học sinh có thể tự đánh giá các năng lực cơ bản; xét tốt nghiệp kết hợp giữa điểm tích luỹ môn học và đánh giá năng lực cơ bản; khuyến khích các trường xây dựng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan đến ngành đào tạo.

Đối với vấn đề tự chủ đại học, thay mặt nhóm nghiên cứu Phó giáo sư Nguyên Xuân Huy, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi thực hiện Nghị quyết 29, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học, được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra, việc làm sinh viên...

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế của tự chủ đại học là: Cơ sở pháp lý về tự chủ đại học hiện nay thiếu đồng bộ, chồng chéo; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp;

Vai trò kiểm soát của Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất lớn trong các nội dung như: bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng; Quyết định biên chế, lương; Định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học.

Vai trò của cơ quan chủ quản, ban giám hiệu và hội đồng trường trong quản trị đại học chưa rõ ràng. Văn bản hướng dẫn về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học không có cơ quan chủ quản vẫn chưa được ban hành.

Cơ chế tài chính chưa chuyển đổi kịp thời so với yêu cầu thực tiễn; Chưa tạo được cơ chế tài chính đặc thù cho phép các cơ sở giáo dục chủ động áp dụng các chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực xuất sắc, chất lượng cao.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị các cơ quan quản lý tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định rõ quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; làm rõ nội dung tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để bảo đảm bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Hoàn thiện xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo và thực hiện cơ chế tự chủ.

Tăng cường thí điểm, xây dựng lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm theo quy định pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các trường đối với chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Thúc đẩy trách nhiệm giải trình của trường đại học với các bên liên quan và xã hội.

Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường đồng thời triển khai kiểm định chất lượng trường và chất lượng chương trình đào tạo ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Các trường đại học chủ động tham gia các bảng xếp hạng đại học do các tổ chức quốc tế thực hiện.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi