Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã được xác định trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng.
Đây là cơ sở vô cùng quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo. Hiện nay, việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là quan điểm đúng đắn, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quyền làm chủ của Nhân dân, sự ổn định và phát triển đất nước, vừa có tính đổi mới, sáng tạo, đột phá.
Tòa án nhân dân (TAND) là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong tiến trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hệ thống TAND đã có nhiều đổi mới.
Đổi mới để đảm bảo quyền con người, quyền công dân
Thời gian qua, việc đổi mới tổ chức hệ thống TAND đã gắn chặt với công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN hướng tới mục tiêu bảo đảm thượng tôn hiến pháp, pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, hoạt động xét xử của Tòa án mang tính độc lập, không chịu bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài; vị thế của Thẩm phán được đề cao, xứng tầm với nhiệm vụ, đồng thời, hạn chế khoảng cách giữa pháp luật và thực tiễn cuộc sống.
Dưới góc độ lý luận, các quan hệ xã hội luôn thay đổi và pháp luật được ban hành trên cơ sở tổng kết cuộc sống trong quá khứ. Xuất phát từ nhu cầu có thật, thể hiện qua việc Tòa án phải giải quyết các tranh chấp và đôi khi pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời thì sự linh hoạt của Tòa án sẽ được phát huy để thích ứng với các nhu cầu mới của cuộc sống, bởi Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng nhằm đảm bảo lẽ công bằng. Điều này không chỉ có mục đích đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà còn bảo đảm công lý, bảo vệ quyền công dân, quyền con người trong hội nhập, trong xu thế toàn cầu hoá.
Đổi mới hoạt động xét xử đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Quan điểm về quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là nội dung xuyên suốt trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Do đó, phải chú trọng việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị. Đây là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao.
Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp đã, đang được Tòa án đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội và cũng rất nhân văn. Điều này đã xác định rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, ai vi phạm pháp luật thì phải xử lý, không có vùng cấm hay ngoại lệ nào. Với phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”. Vừa xây dựng đồng bộ các văn bản có tính định hướng cho những vấn đề chung, vừa chỉ đạo quyết liệt xử lý từng vụ việc cụ thể. Một bản án công tâm, nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội sẽ là sự cảnh báo cần thiết cho những ai còn manh nha ý đồ lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái, tham ô, tham nhũng gây hại cho Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, nhân văn với những bị cáo làm công ăn lương, thực sự ăn năn hối cải sẽ là sự mở đường cho họ hướng thiện, sửa chữa sai lầm. Đó chính là tinh thần của nền công lý tiến bộ, là tính nhân văn, nhân đạo trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức công tác xét xử, trong đó có xét xử trực tuyến
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Tòa án các nước đã đạt nhiều thành tựu trong việc xét xử trực tuyến. Trong bối cảnh đó, hệ thống Tòa án Việt Nam đã và đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới việc xét xử bằng hình thức trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội. Đồng thời, liên ngành TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến,...Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến vào hoạt động xét xử của Tòa án.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay, đồng thời là sự đổi mới của hệ thống TAND trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bởi đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.