Đôi gánh lý tình

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương| 10/09/2015 08:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi lần đi qua khu tượng đài Chiến sỹ của thành phố Đà Nẵng, nhìn hai tòa nhà có quốc huy uy nghiêm nằm hai bên đường 30 tháng 4, một bên là Tòa án nhân dân thành phố, một bên là Tòa án cấp cao, tôi lại liên tưởng đến phim Bao Công xử án.

Hình ảnh “thiết diện” đã góp phần tăng thêm ấn tượng về Bao Công nghiêm minh và tài tình trong xử án. Gương mặt đen biểu tượng cho tinh thần “pháp bất vị thân”, với sự khách quan, không thiên vị, không để tình cảm riêng tư chi phối việc xét xử. Xét xử là những cuộc đấu trí cam go, nhất là những vụ xét xử vương tôn, quý tộc. Bao Công luôn thể hiện một bản lĩnh sắt đá khi thượng tôn pháp luật, trong nhiều vụ án thậm chí ông phải có Thượng phương bảo kiếm, mới đưa được sự thật ra ánh sáng, buộc kẻ thủ ác phải tâm phục khẩu phục.        

Phim Bao Công không biết bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu phần trăm là hư cấu, mà có hư cấu mới hay, mới gọi là phim. Còn chuyện tôi ghi chép được sau đây không phải là phim, mà là những gì diễn ra hàng ngày trong công tác xét xử của cơ quan Tòa án.

Phó Chánh án Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Bường cho biết: miền Trung có địa bàn phức tạp, núi rừng chiếm phần lớn diện tích, nhiều dân tộc ít người chung sống. Có nhiều vụ án lớn đã xảy ra trên địa bàn miền Trung: Vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Đắk Nông, vụ án tham nhũng tại Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên, buôn ma túy xuyên quốc gia… và rất nhiều vụ án lớn nhỏ khác. Trong đó tranh chấp đất đai có tỉ lệ cao do trước đây chiến tranh, người dân bỏ quê hương sơ tán, mưu sinh. Khi trở về, giấy tờ thất lạc hoặc không có. Người dân thì quen tập tục sống trên đất hương hỏa ông bà, không chú trọng làm giấy tờ rõ ràng. Nhiều thế hệ ra đời, trong khi đất ngày càng hiếm. Các dự án công nghiệp, du lịch cũng là một trong những nguyên nhân làm đất đai ngày càng trở nên có giá. Tiền tăng thì tình xuống. Nhiều vụ án dân sự, hình sự có nguyên nhân từ đất đai. Nhiều người từng cống hiến trong chiến tranh có ý công thần, đổ xương đổ máu. Người phạm tội do chưa hiểu pháp luật hoặc pháp luật chưa có nhưng đã phát sinh vấn đề trong dân. Số vụ án tăng dần theo hàng năm. Hiện nay mỗi Thẩm phán xét xử gần 100 vụ/năm, tức là 3 ngày một vụ. Chưa kể nếu bị hủy sửa thì phải dồn án sang cho những người còn lại. 100 vụ/năm với đủ loại án: hình sự, dân sự, kinh tế, hôn nhân - gia đình, lao động… Trong khi đó ngành Tòa án quy định chỉ cần trên 1,16% án bị hủy là cắt thi đua, không bổ nhiệm lại. Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn vững vàng và bản lĩnh kiên cường.

Đôi gánh lý tình

Một phiên tòa xét xử của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng - Ảnh minh họa

Phó Chánh án Nguyễn Văn Bường kể cho chúng tôi nghe một vụ án mà ông xử phúc thẩm. Khi xem xét đầy đủ các chứng cứ và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng đồng xét xử đã tuyên giảm từ án tử hình xuống chung thân, bị cáo bước ra còn quay lại nhìn Hội đồng xét xử, cầm vạt áo nhàu bẩn lau nước mắt. Hình ảnh ấy đọng mãi trong tâm trí ông. Những phiên tòa minh oan được cho bị cáo, trả lại tự do cho họ hay những vụ án khó được giải quyết thấu lý đạt tình, người dân ủng hộ, ông cảm thấy rất vui.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Bường: Với tiêu chí làm việc "thận trọng, bản lĩnh, nhận thức chính trị tốt, chắc nghề, công tâm, vô tư", Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng và nay là Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Với chủ trương xây dựng nền công lý minh bạch, chuẩn mực của Đảng và Nhà nước, hiện nay Tòa đang điều hành xét xử theo mô hình tranh tụng. Tranh tụng để làm sáng tỏ vụ án, tránh oan sai. Mỗi một Thẩm phán đều hiểu, một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài. Một ngày tù oan còn dài hơn nhiều lần. Và mỗi khi để xảy ra oan sai, Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tại Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Đặng Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết Tòa án Thừa Thiên Huế là một trong ba nơi thực hiện thí điểm cải cách hành chính tư pháp. Hiện nay, Tòa đang điều hành xét xử theo mô hình tranh tụng. Trong việc xây dựng nền công lý minh bạch, chuẩn mực, Tòa án đã sử dụng công nghệ thông tin mạng có phần mềm ghi âm của Australia giúp xét xử công khai và lưu trữ tiện lợi. Thư ký phải ghi bằng laptop để được xem tại chỗ. Thủ tục pháp lí cũng được cải thiện. Nếu trước đây người dân phải đến 6 - 7 lần, từ khâu thụ lý hồ sơ cho đến khi xét xử thì nay chỉ 3 - 4 lần, giảm hẳn một nửa. Theo ông, đây thật sự là hệ thống giúp dân và giảm áp lực cho tòa án.

Cũng như Phó Chánh án Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Bường, ông Đặng Quang cho rằng: Là người cầm cân công lý, Thẩm phán phải làm việc với cái đầu lạnh, không để cảm xúc lộ ra ngoài. Lòng tin người dân đối với Tòa án chính là lòng tin của người dân với thể chế chính trị. Có thể nói, từ một nơi được chọn làm thí điểm cải cách hành chính tư pháp, cùng với nỗ lực của mỗi cá nhân, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu được nhiều kết quả. Năm 2013, nhận cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2014, nhận Huân chương Lao động. Sáu tháng đầu năm 2015, Tòa Dân sự chưa có án nào bị hủy. Đây là thành tích đầu tiên trong lịch sử Tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại TAND Tp Đà Nẵng, Thẩm phán Phạm Khắc Tường, công tác tại Tòa án nhân dân quận Hải Châu đã nói với chúng tôi về cảm xúc nghề nghiệp: “Làm nghề suốt ngày chỉ có 2V - vụ, việc. Nhiều vụ rất đau lòng, thấy có thể khóc nhưng phải làm nghiêm. Chính tôi luôn có cảm giác sợ mình thể có chai sạn”. 

Tôi tự nhủ rằng, Thẩm phán Trường cũng như hàng ngàn Thẩm phán khác cùng với đồng nghiệp trên khắp đất nước Việt Nam, họ có lý trí nhưng cũng có một trái tim nhân hậu. Họ đã và đang âm thầm gánh trên vai đôi gánh lý - tình nặng trĩu. Giữ cho đôi gánh cân bằng, họ phải dốc hết trí lực, và họ luôn nằm lòng Tám chữ vàng: "Phụng công - Thủ pháp - Chí công - Vô tư".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôi gánh lý tình