Phúc Nghiêm là một ngôi chùa cổ nằm sâu trong làng quê thôn Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội được xây dựng cách đây trên 500 năm, được gọi là Phúc Chí Hoa Nghiêm Tự.
Đến đầu thế kỷ XVIII, đời vua Gia Long năm thứ 11 đã cho đúc chuông, đúc khánh và xây dựng lại chùa. Trải qua thời gian, tới năm Mậu Thìn, vua Khải Định lại cho sửa và mở rộng khuôn viên chùa. Mấy thế kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, chùa Phúc Nghiêm vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa lành mạnh.
Đặc biệt, từ năm 2011, nhà chùa mở lớp học tu rèn đạo đức cho thanh thiếu niên. Riêng trong 3 tháng hè, nhà chùa còn mời các giảng viên đến dạy tiếng Anh cho các em hết trình độ A.
Trao đổi với PV về ý nghĩa công việc các thầy đang làm, Đại đức Thích Minh Nguyên cho biết: “Chúng tôi mong muốn góp phần giáo dục để thanh niên có phẩm chất tốt, có lý tưởng sống đẹp, có ý thức về giá trị văn hóa truyền thống và có khả năng xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc. Đó cũng là một cách làm “hộ quốc an dân, tốt đời đẹp đạo”.
Bao giờ cái trạm biến thế này được di chuyển vẫn là câu hỏi chưa có lời giải
Nhưng ngôi chùa cổ này có một “vấn nạn” đang lo ngại, liên quan đến an toàn và cảnh quan là trạm biến thế tọa lạc ngay trong khuôn viên.
Đây là trạm biến thế điện Trạch Mỹ Lộc có điện áp 250KVA – 35/04. Trạm này được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, có một nhà mái bằng diện tích khoảng 6m2. Điều đáng nói, mái bê tông và phần cột đỡ dây điện theo thời gian đã bị nổ trơ cốt thép P10 xung quanh. Ngày thường đã nguy hiểm nhưng đặc biệt những ngày cuối tuần hoặc cuối tháng có vài trăm người về chùa học tập, cúng bái sẽ cực kỳ nguy hiểm cho những ai đi ngang qua đây. Đó còn chưa kể là lúc mưa gió, dòng điện hở có thể dẫn xuống sân gây nguy hiểm tính mạng cho nhiều người.
Ý thức được việc đó, các nhà sư chùa Phúc Nghiêm đã nhiều lần có văn bản đề nghị Điện lực huyện Phúc Thọ chuyển trạm biến thế ra khỏi khuôn viên của chùa nhưng đến nay dự án này vẫn… bình chân như vại. Cơ quan chức năng đã hai lần thiết kế để di chuyển ra ngoài nhưng lại yêu cầu nhà chùa phải bỏ ra 450 triệu để di chuyển trạm. Với nguồn kinh phí lớn như vậy, các nhà sư nơi đây đành bó tay, dẫn đến hàng chục năm đã trôi qua nhưng trạm biến thế Trạch Mỹ Lộc vẫn yên vị. Chẳng lẽ, cái trạm biến thế Trạch Mỹ Lộc vẫn cứ tiếp tục tồn tại một cách ngạo nghễ trong khuôn viên của chùa?
Tống Toàn