Gọi vía về ăn Tết dịp cuối năm là sinh hoạt tinh thần phổ biến của người vùng cao, khiến không khí ngày Tết thêm phần ấm áp, linh thiêng, là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thể hiện quan niệm về thế giới tâm linh của cộng đồng dân tộc Thái. Hiện, phong tục này vẫn được đồng bào Thái ở Nghệ An lưu giữ.
Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Lương Thị Trung, ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đúng dịp gia đình đang làm vía để ăn Tết. Giữa gian chính của ngôi nhà sàn, mâm lễ vật được bày ra, gồm xôi, thịt gà và rượu. Vị thầy mo ngồi phía trước làm lễ, xung quanh là con cháu và họ hàng thân thuộc.
Bà Trung cho biết, năm nào cũng thế, cứ vào dịp cuối năm, gia đình lại tổ chức làm vía để động viên các thành viên trong gia đình sống vui, sống khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn. Vậy là, hôm nay con cháu và họ hàng gần xa sắp xếp công việc đến dự lễ làm vía. Đây thực chất là lễ ăn mừng, thầy mo và con cháu, họ hàng sẽ cầu mong những điều tốt lành.
Vì thế, những người đến dự thường có quà mừng như con gà, cân nếp, bánh trái hoặc một ít tiền. Sau khi làm lễ, mọi người cùng chung vui quanh mâm cơm, cùng nâng chén rượu mừng, đem lại niềm vui cho gia chủ.
Bà Lương Thị Trung, ở bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) chia sẻ: “Đây là phong tục có từ lâu đời của cha ông để lại nên chúng tôi vẫn cứ lưu giữ mãi”.
Được biết, lễ cúng vía chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần nhưng cũng rất quan trọng khi năm hết Tết đến. Trong quan niệm của bản làng, hồn vía cũng quan trọng như thể xác con người, có được chăm sóc, quan tâm chu đáo thì mới khỏe mạnh. Hồn vía khỏe mạnh, thể xác mới bình an.
Trong quan niệm của người Thái, mỗi bộ phận trên cơ thể con người đều có một hồn vía. Trong cuộc mưu sinh lên rừng, xuống biển, đi xa, đi gần, làm ăn, học hành, chơi đùa có thể một phần vía nào đó đang đi lạc. Lễ này nhằm gọi tất cả hồn vía trên cơ thể của mọi người trong nhà về cùng vui Tết.
Bà Lương Thị Thoại - thầy mo, ở xã Yên Khê (Con Cuông) cho biết: “Đây là phong tục có ý nghĩa rất lớn đối với người Thái chúng tôi. Vì thế, cứ năm hết Tết đến, nhà nào cũng làm lễ bốc vía để cầu may, cầu sức khỏe cho cả gia đình.”
Tục làm vía của người Thái vào dịp Tết khiến không khí ngày cuối năm như ấm áp hơn và cũng vì thế mà không kém phần linh thiêng, trang trọng. Sau lễ gọi vía ngoài trời, buổi lễ cúng được tổ chức trong nhà để mời vía ăn cơm. Buổi làm vía kết thúc bằng việc buộc chỉ cổ tay. Những sợi chỉ đen được buộc vào tay theo thứ tự các thành viên trong gia đình với mong muốn mọi người luôn khỏe mạnh, sang năm mới mọi điều tốt lành.
Ông Vi Văn Lam, ở bản Nữa, xã Yên Khê chia sẻ: “Tục bốc vía là một nét văn hóa truyền thống của người Thái, cần được giữ gìn. Chính điều này đã thể hiện sự gắn kết tình cảm của những người thân, anh em họ hàng sau một năm lo toan, bươn chải làm ăn”.
Làm vía cuối năm thực chất là hoạt động tâm linh để các thành viên trong gia đình, anh em, họ hàng tổ chức động viên, khích lệ tinh thần lẫn nhau, giúp họ vượt qua tai ương trong cuộc sống, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng. Đây cũng là cách để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của họ hàng, làng bản.