Sẽ không ngoa khi nói rằng sản phẩm của chợ Hàng đã “phủ khắp” mọi gia đình ở Hải Phòng. Sở dĩ nói vậy bởi sản phẩm của chợ rất đa dạng, phong phú từ cây cảnh, vật dụng, vật nuôi đến những sản phẩm lưu niệm, trưng bày rất cổ, nhưng mộc mạc, đời thường.
Nằm giữa một đô thị rộng lớn, sầm uất của thành phố công nghiệp hiện đại với nhịp sống tất bật, chợ Hàng được biết đến là một chợ phiên còn mang đậm chất đồng quê thôn dã, đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ. Không có tài liệu nào ghi chép lại chợ Hàng có từ bao giờ nhưng với người dân Hải Phòng thì chợ đã có hàng trăm năm nay. Theo người dân địa phương, chợ Hàng là một chợ phiên họp tại một làng cổ xưa, từ thời Tiền Lê có tên là Dư Hàng.
Trong lịch sử, làng Dư Hàng là vùng đất nông nghiệp rất giàu có và nổi tiếng của Hải Phòng, quan hệ mua bán rộng rãi với thương nhân ở nhiều địa phương. Chính vì thế, chợ Hàng là chợ đông nhất, nhiều mặt hàng nhất với không gian rất rộng rãi, trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi, mua bán các loại cây giống, con giống và đồ dùng nhà nông bậc nhất ở Hải Phòng.
Có lẽ, điều mà người dân địa phương còn nhớ rất rõ là trước đây, chợ họp tại một khu đất rộng thuộc xã Dư Hàng, huyện An Hải. Đến những năm 80 của thế kỉ XX, trước tình hình phát triển đô thị, quy hoạch dân cư, chợ Hàng dần được chuyển về địa điểm mới ngày nay chính là khu vực giữa đường Hoàng Minh Thảo và đường Nguyễn Văn Linh (thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân), cách địa điểm cũ khoảng hơn 1 km.
Một góc chợ Hàng
Từ thời Pháp thuộc, chợ Hàng được họp vào các ngày 5, 10, 15 âm lịch hàng tháng. Chợ chuyên bán các loại cây giống (cây cảnh, rau và nhiều loại cây trồng khác), con giống (chó, mèo, thỏ, ngan, gà, chim,...) và các loại dụng cụ, phân bón phục vụ cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, chợ còn bán các loại vật dụng nhà nông cần dùng như: nơm, dậm để đánh bắt cá; nong, nia, thúng đựng thóc gạo; cối xay thóc bằng tre; cối đá giã gạo với cái chày bằng thân cây gỗ xoan; cày, bừa, cuốc xẻng để làm ruộng, vải để may quần áo… cùng nhiều vật dụng được làm bằng tre, bằng gỗ, hay kim loại rất quê kiểng và quen thuộc với đời sống thường ngày của bà con nông thôn.
Những năm gần đây, do nhu cầu tham quan và điều kiện mua sắm của người dân tăng dần nên chợ chuyển sang họp vào ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống vẫn đựơc bày bán mà người dân ưa chuộng, chợ có thêm các loại hàng hóa mới phục vụ cuộc sống hàng ngày như: quần áo, mũ nón, chăn gối, hàng điện tử, đồ mĩ nghệ, đồ gia dụng,…Ngày nay, các mặt hàng như cây cảnh, vật nuôi (cá cảnh, chim cảnh, chuột cảnh…) được bày bán ở chợ cũng trở nên đa dạng, phong phú về chủng loại số lượng để đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân.
Điểm đặc biệt đến với chợ Hàng, người dân và du khách còn bị cuốn hút, bởi các sản phẩm đồ cũ tưởng chừng bỏ đi (nồi cơm điện, loa đài, quạt điện, điện thoại, máy khoan, tô vít, ốc vít, điều khiển tivi, dụng cụ xe đạp, ống nước cũ, vỏ chai rượu ngoại,…) cho đến những món đồ cổ hàng trăm năm quý hiếm, thỏa mãn nhu cầu mua bán và tham quan của mọi người dân. Đến chợ, người dân có thể tìm được đồ vật mà các chợ khác có thể không có hoặc trên thị trường không còn sản xuất về để thay thế các vật dụng đã hỏng trong gia đình, với giá cực kỳ rẻ. Thậm chí, chợ còn có các loại sản phẩm truyền thống nguồn gốc ở nông thôn, những món đồ thân thuộc của làng quê Việt như: thuốc lào, cốm, bồ kết…những mặt hàng mà ngày nay rất khó kiếm. Sản phẩm của chợ Hàng đa dạng, đậm hương vị đồng quê và người buôn bán ở chợ Hàng thì cũng chân chất bởi phần lớn đều là người dân từ các vùng quê đến theo phiên chợ, Việc bán mua cũng khá giản đơn, không nói thách nên người mua cũng thỏa sức mua sắm, tham quan.
Với người dân địa phương, chợ Hàng không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chợ vừa là nơi buôn bán của các tiểu thương, vừa là nơi những nông dân, người chơi vật nuôi và cây cảnh mang sản vật của mình đến bán hoặc trao đổi. Chỉ như vậy thôi nhưng phiên chợ nào cũng đầy ắp người mua kẻ bán. Ước tính mỗi phiên chợ có hàng nghìn người từ khắp các địa phương đổ về đây tham quan, mua sắm.
Dù trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố lịch sử nhưng chợ Hàng vẫn giữ cho mình những hoạt động, hình ảnh của một chợ phiên cổ hiếm hoi, mang dáng dấp một chợ quê trong lòng thành phố hiện đại. Với người dân Hải Phòng hay bất kỳ ai khi biết đến chợ Hàng thì giá trị độc đáo, có thể nói là điểm nhấn của chợ chính là giá trị văn hóa, chứ không phải là giá trị về kiến trúc hay thời gian. Bởi lẽ, chợ không được xây dựng bề thế, khang trang; chợ không chuyên bán thức ăn rau quả hàng ngày, cũng chẳng phải bán những hàng hóa xa xỉ mà đơn giản là những thứ rất đỗi đời thường.
Đối với nhiều người, đi chợ Hàng trước hết là thú đi chơi dân dã, sau mới là đi mua bán. Dường như mỗi dịp cuối tuần, ai ai cũng háo hức, chờ đợi để đi chợ Hàng. Tất cả những hình ảnh ấy làm cho chợ Hàng trở thành một phiên chợ đầy bản sắc, thu hút được sự quan tâm của người dân, du khách không chỉ ở Hải Phòng mà còn các tỉnh thành lân cận như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội...
Chợ Hàng không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân chia sẻ: quận Lê Chân là một đô thị cổ kính, cái nôi nuôi dưỡng những vẻ đẹp văn hóa truyền thống ở Hải Phòng. Bên cạnh chợ Hàng - phiên chợ quê vốn dĩ đã nổi tiếng, Lê Chân còn sở hữu nhiều di tích rất có giá trị như: đình Hàng Kênh- nơi thờ Đức vương Ngô Quyền, đền Nghè- thờ Nữ tướng Lê Chân… Riêng, Lễ hội truyền thốngNữ tướng Lê Chân được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo tồn và phát huy được những nét đẹp, giá trị văn hóa độc đáo của chợ Hàng, Quận ủy - UBND quận đã có ý tưởng phát triển, nâng tầm chợ Hàng. Theo đó, quận đã giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu, tham mưu cho quận sớm xây dựng đề án quy hoạch tổng thể kiến trúc, cảnh quan và hoạt động của chợvới mục tiêu “phát triển nâng tầm chợ Hàng, liên kết các điểm tham quan và xây dựng tua du lịch mang tính chuyên nghiệp trên địa bàn quận”. Nếu được triển khai, phần kiến trúc, không gian trong chợ Hàng sẽ là nơi trưng bày, biểu diễn nghệ thuật hát, múa các làn điệu dân gian; tổ chức các hội thi (hoa lan, cây cảnh, chim cảnh, vật nuôi…) và là nơi để người dân, du khách đến thưởng thức ẩm thực đồng quê. Phần không gian mở xung quanh chợ sẽ tổ chức sắp xếp thành các khu vực, gian hàng đảm bảo hoạt động buôn bán được ổn định, đáp ứng nhu cầu của các tiểu thương nhưng phải phù hợp phiên chợ quê. Bên cạnh đó, công tác giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông sẽ được nghiên cứu cho phù hợp, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người dân và du khách đến tham quan, mua sắm tại chợ Hàng.