Doanh nhân Việt dính "bão Panama": Cần minh bạch bằng câu trả lời pháp lý

Nhật Minh| 13/05/2016 07:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

189 cá nhân cùng 185 địa chỉ tại Việt Nam đã được nhắc đến trong Hồ sơ Panama. Nhiều người băn khoăn, liệu họ có phạm tội, khi mà một số quan chức nổi tiếng nước ngoài đã bị "ngã ngựa" trước đó?

Doanh nhân Việt dính

Hồ sơ Panama tạo ra một cơn bão lớn, gây chấn động không chỉ hệ thống kinh tế, tài chính - ngân hàng, mà cả chốn nghị trường

“Việt Nam” có tên trong Hồ sơ Panama

19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin (Vương quốc Anh); 189 cá nhân cùng 185 địa chỉ tại Việt Nam đã được nhắc đến trong Hồ sơ Panama. Trong số này có cả tên người Việt Nam và người nước ngoài.

Thông tin nêu trên được tiết lộ trên truyền thông sau khi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) kích hoạt công cụ tra cứu Hồ sơ Panama trực tuyến tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org vào lúc 2h00 sáng ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam. Nguồn dữ liệu - được thu thập trong vòng 40 năm (tính đến cuối năm 2015) - cho phép tìm kiếm 368.000 người trên khắp thế giới cùng 300.000 các công ty ở nước ngoài, liên quan tới công dân và các công ty tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Doanh nhân Việt dính

189 cá nhân cùng 185 địa chỉ tại Việt Nam đã được nhắc đến trong Hồ sơ Panama

Cho đến nay Mossack Fonseca nắm giữ Hồ sơ Panama vẫn cho rằng, họ không làm gì trái pháp luật. Thậm chí, phía Mossack Fonseca còn nói, có những tên được đề cập không phải là khách hàng của họ.

Thế nhưng, qua tiết lộ của nhà phân tích dữ liệu của ICIJ, ông Rigoberto Carvajal, đây có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong số 11,5 triệu tài liệu được lấy từ Mossack Fonseca - hãng luật lớn thứ tư thế giới có trụ sở tại Panama, mà một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung hơn một năm trước, rất có thể còn ẩn chứa nhiều bí mật khủng khiếp hơn thế.

Ông Carvajal cũng đã tạo ra một phiên bản của công cụ tra cứu dành cho các phóng viên tham gia điều tra Hồ sơ Panama sử dụng nội bộ. Đặc biệt, ông lưu ý, nhằm duy trì sự cẩn trọng và tính chính xác của báo chí, “phần lớn tài liệu sẽ được giữ bí mật”.

Theo Phó Giám đốc ICIJ Marina Walker Guevara, những thông tin ICIJ công bố đều là “thông tin mật chưa từng được tiết lộ”, song “cần phải được công khai và minh bạch”. Và sự công khai ICIJ đã gây chấn động toàn thế giới, đặc biệt những nước có cá nhân, tổ chức nằm trong danh sách đen.

Đến lúc này, điều nhiều người quan tâm là, khi những cá nhân và tổ chức “bị nêu tên” trong Hồ sơ Panama, liệu có đồng nghĩa với kết luận họ có hành vi vi phạm pháp luật?

Có tên trong Hồ sơ Panama: Chưa thể kết luận là phạm tội!

Trao đổi với một số luật sư chuyên ngành Luật Kinh tế, Kinh tế Quốc tế và có quan tâm đến vụ Hồ sơ Panama, họ đều thận trọng đưa ra nhận định chung rằng, “với những thông tin liên quan đến cá nhân, tổ chức có yếu tố Việt Nam, thì các cơ quan chức năng nước ta cần phải thẩm định, kiểm tra, xác minh tính xác thực của thông tin”.

Cần lưu ý, Hồ sơ Panama chứa thông tin, giao dịch của cá nhân và tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ mật đều dưới dạng giao dịch điện tử. Mà theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chứng từ điện tử chỉ được coi là nguồn chứng cứ. Bởi, để được coi là chứng cứ còn phụ thuộc và nhiều yếu tố và quy định của pháp luật.

Doanh nhân Việt dính

Thông tin trong Hồ sơ Panama ở dưới dạng dữ liệu điện tử, chỉ được coi là một nguồn chứng cứ

Một giám đốc (giấu tên) hoạt động trong ngành truyền thông, đồng thời là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, với những thông tin ban đầu, chưa đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm của các cá nhân và tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama.

ICIJ khi đưa ra cơ sở dữ liệu về Hồ sơ Panama cũng lưu ý việc thành lập các công ty quản lý tài sản ở nước ngoài thông thường là hợp pháp. Và, việc các cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama không có nghĩa là họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ông lý giải, theo Hồ sơ Panama, “một mạng lưới công ty ma khổng lồ trên thế giới được lập ra nhằm giúp nhà giàu trốn thuế, trong đó có cả hành vi rửa tiền”. Thế nhưng, để có thể kết luận họ (những người có tên trong blacklist) phạm tội (trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền) hay không, thì cần nhiều dữ liệu liên quan đến hành vi bị coi là vi phạm pháp luật này. “Luật pháp rõ ràng, không suy đoán, không ngầm hiểu, hay có thể suy diễn”.

Cùng quan điểm, LS. Mai Tiến Dũng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama. Đơn giản như: Cá nhân tham gia làm việc cho một tổ chức nước ngoài nào đó, mà tổ chức đó lại lựa chọn đóng thuế tại Panama. Hay một tổ chức của Việt Nam là đối tác kinh doanh của một công ty nước ngoài có trụ sở tại Panama”. Tóm lại, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội, và có thể một số có mục đích hợp pháp.

“Để kết luận là các cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama liệu có hành vi vi phạm pháp luật, như trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền, hay không thì phải chờ có kết luận chính thức của cơ quan chức năng trong lĩnh vực này”, LS. Dũng nhấn mạnh.

Cần có câu trả lời xác đáng, rõ ràng, minh bạch

Đối với phía Việt Nam, mặc dù chưa thể kết luận những cá nhân, tổ chức có trong Hồ sơ Panama là có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể thờ ơ.

Trả lời báo Pháp luật Plus, TS. Lê Quang Minh, Khoa CNTT, ĐH Công nghệ - ĐHQGHN cho rằng, hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều giao dịch thông qua điện tử. Do đó, theo ông, “tất cả các dữ liệu từ Hồ sơ Panama cung cấp là những chứng từ điện tử, có căn cứ pháp lý”.

Doanh nhân Việt dính

Cá nhân, tổ chức Việt Nam có trong Hồ sơ Panama, dù chưa thể kết luận có hành vi vi phạm pháp luật, song các cơ quan chức năng cần xác minh, kiểm chứng thông tin, và có câu trả lời rõ ràng

Trong khi đó, ở Việt Nam, vấn đề sử dụng chứng từ điện tử làm chứng cứ pháp lý là việc còn gây nhiều tranh cãi. Song, TS. Minh cho biết, về mặt thực tiễn, đó lại là cái có thật, và đương nhiên cái gì thật đều được công nhận.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, hiện Việt Nam đã gia nhập WTO, “nếu không coi chứng từ điện tử là một căn cứ pháp lý thì coi như tự mình loại ra khỏi sân chơi quốc tế”, TS. Lê Quang Minh nhấn mạnh.

Diễn biến hiện tại, trong số các doanh nhân Việt Nam có tiếng xuất hiện trong Hồ sơ Panama, để tránh có những thông tin trái chiều, tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến cá nhân và hoạt động của công ty, ông Nguyễn Duy Hưng (SSI), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Sovico) hay bà Đàm Bích Thủy (ANZ) đã chủ động lên tiếng trên truyền thông.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Duy Hưng còn nói vui trên facebook rằng, phải cảm ơn ICIJ vì đã “giúp quảng cáo” cho ông và công ty. Ông chia sẻ đầy ẩn ý: “Cùng là một công cụ, nhưng vào tay người này nó là kế sinh nhai, vào tay kẻ khác lại thành hung khí. Thế mới nói, việc gì cũng cần phải tỉnh táo khách quan mà nhận định, chứ đừng phiến diện quy chụp một cách dễ dàng”.

Những vấn đề pháp lý cần phải có câu trả lời bằng pháp lý. Điều quan trọng lúc này là, các cơ quan chức năng trong nước cần phải xem xét và có câu trả lời xác đáng, rõ ràng, minh bạch đối với các thông tin liên quan đến Việt Nam nhằm tránh những thông tin suy diễn, có ý đồ, hoặc mục đích xấu. 

Liên quan đến việc các cá nhân, tổ chức Việt Nam có trong Hồ sơ Panama, sáng 10/5, trả lời một số báo, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định sẽ cho cơ quan chức năng kiểm tra thông tin trên và sẽ có báo cáo. Theo ông, đây là vụ việc liên quan tới nhiều cơ quan và ngành thuế chỉ là một trong số này.

Cùng ngày, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cũng trả lời báo giới: “Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được”, ông Đạt nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân Việt dính "bão Panama": Cần minh bạch bằng câu trả lời pháp lý