Môi trường

Doanh nghiệp sẽ phải đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam

Tuấn Dũng 30/06/2023 - 10:19

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ năm 2024 nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Khi lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, số tiền doanh nghiệp phải đóng được tính theo công thức F = R.V.Fs

Trong đó: F là tổng số phải đóng; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.

Để có căn cứ cho doanh nghiệp đóng tiền, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) ban hành định mức Fs cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là dự thảo).

lon-bia-phe-lieu.jpeg
Ảnh minh họa.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, nếu tính định mức Fs như trong dự thảo thì 1 lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng; chai bia tăng thêm 51 đồng.

Theo bà Vân Anh, khảo sát với doanh nghiệp trong Hiệp hội cho thấy, có 70% doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện, 80% doanh nghiệp khó khăn khi phải chuẩn bị cả nguồn lực chi phí và hệ thống để tái chế; trong khi chỉ có 61% doanh nghiệp mới tiếp cận ở mức thông tin.

Mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đã ký chung văn bản góp ý đối với bản dự thảo. Tại văn bản này, các hiệp hội cho rằng, các định mức Fs quá cao như đề xuất trong dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa.

Ví dụ, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp sẽ phải đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam