Khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, các doanh nghiệp trên cả nước đã nhanh chóng bắt tay triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Chìa khóa” để duy trì sản xuất, kinh doanh an toàn
Khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển nền kinh tế cả nước. Để thực hiện thành công điều này, không thể thiếu vai trò của cấp ủy, lãnh đạo, công đoàn các doanh nghiệp trong việc vận động, thuyết phục, tập hợp công nhân, để không bị thiếu hụt nguồn lao động sau dịch, từng bước phát triển ổn định, vừa tạo công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp (DN) đã sẵn sàng cho việc khôi phục hoạt động sản xuất nên chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và xây dựng nhiều chế độ ưu đãi, tạo thuận lợi để người lao động (NLĐ) yên tâm quay trở lại làm việc. Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như Công ty CP Taek Wang Vina có chính sách hỗ trợ công nhân quay trở lại làm việc đủ 5 ngày thì thưởng thêm 1 ngày lương, chuyển tiền trực tiếp ngay vào tài khoản của công nhân, đồng thời thưởng thêm một gói thực phẩm an sinh. Đồng thời, để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, công ty đã chia ra 3 khung giờ làm việc, thực hiện giãn cách, mỗi khung lệch nhau từ 30 - 60 phút, giờ ra về, ăn trưa, giờ đi làm của công nhân không bị trùng nhau.
Hay tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ có các chính sách hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR cho người lao động trước khi vào làm. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ nhà trọ, hỗ trợ con đi trẻ, được hưởng tháng lương thứ 13. Hay Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cũng đăng tải thông tin tuyển dụng 500 công nhân với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Giải pháp “hút” người lao động trong điều kiện “bình thường mới”
Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm thu hút người lao động để doanh nghiệp vừa duy trì được sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo được sự an toàn trong công tác phòng chống COVID-19.
Trong đó, công đoàn các doanh nghiệp có thể ưu tiên liên lạc, thuyết phục, vận động những công nhân cũ có tay nghề quay lại công ty làm việc, kết hợp với việc lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và khó khăn của người lao động để có giải pháp chăm lo phù hợp. Chẳng hạn, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, hỗ trợ mức tối thiểu sinh hoạt hàng ngày, chi phí xét nghiệm COVID-19, đàm phán lại mức lương khởi điểm tương xứng với kinh nghiệm, năng lực công tác và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, hay giới thiệu các quỹ tín dụng lãi suất ưu đãi cho công nhân… Khi cần thiết, có thể phối hợp với chính quyền các địa phương để bố trí phương tiện đưa lực lượng lao động này quay lại thành phố để làm việc.
Các cấp ủy, lãnh đạo các doanh nghiệp cần xây dựng các chính sách tốt để giữ chân người lao động, nhất là các vị trí cần kinh nghiệm công tác và tay nghề cao. Có thể giữ chân nhóm lao động ngoại tỉnh bằng cách cho họ được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19; hay liên hệ cơ quan y tế để được hướng dẫn việc tự xét nghiệm nhanh định kỳ cho người lao động; riêng đối với doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, cần quan tâm bố trí địa điểm cho công nhân ăn ở thuận tiện, cũng như phương tiện đưa công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc an toàn, hiệu quả; trường hợp xuất hiện ca nhiễm có thể xử lý theo hướng có F0 tại phân xưởng nào thì phong tỏa, khử khuẩn, thay đổi kíp làm việc của phân xưởng đó, chứ không phong tỏa toàn bộ doanh nghiệp.
Trong điều kiện cho phép, các doanh nghiệp, cần xây dựng các chiến lược phát triển mới sản phẩm, mở rộng thêm mô hình, tái cấu trúc… nhất là trong dịp cuối năm, sức tiêu thụ của thị trường thường tăng cao, để duy trì được việc làm cho công nhân; ngoài ra, cần xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt đối những người lao động trung thành, gắn bó, không rời bỏ công ty lúc khó khăn…
Doanh nghiệp nên quan tâm thực hiện các chương trình, chính sách thu hút nguồn lao động trẻ, nhất là những sinh viên mới tốt nghiệp chưa có việc làm, sẵn sàng tuyển dụng vào công ty để đào tạo, thay thế dần các khâu đang bị thiếu hụt lao động. Các doanh nghiệp cần phối hợp tích cực với các trung tâm dịch vụ việc làm của các đoàn thể để được hỗ trợ.
Để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng vượt qua khó khăn, phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài những nỗ lực tự thân, rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ các cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, cần xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do dịch COVID-19; hay hỗ trợ doanh nghiệp, công nhân khó khăn được giảm lãi suất vay ngân hàng; hoặc thực hiện chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê mặt bằng; giảm giá điện, nước, xăng, cước viễn thông, gas…
Đặc biệt, doanh nghiệp cần nhanh chóng nghiên cứu để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, để tiếp thêm động lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, thúc đẩy chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thành phố được thông suốt…
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)