Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó trong đại dịch

P.Nam| 29/05/2021 19:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để thích ứng với tình hình dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới. Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới.

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo một kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch COVID-19 càng cao. Trong nhóm doanh nghiệp lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch là 92,8%; trong khi đó, tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%, và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 82,1%.

Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 rất cao, điển hình như: ngành hàng không; ngành dịch vụ lưu trú; hoạt động của các đại lý du lịch; các ngành dệt, may,… đều có tỷ lệ trên 90%.

Để thích ứng với tình hình dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới. Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra…

Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó COVID-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng. Ngoài hai giải pháp trên, những giải pháp về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và công đoàn phí; giảm thủ tục hành chính và chi phí logistics cũng được cộng đồng doanh nghiệp tích cực ủng hộ.

1(1).jpg
Công ty ra thông điệp cùng công nhân vượt qua COVID-19. Ảnh minh hoạ

Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuỳ theo tình hình thực tế, các doanh nghiệp tăng cường sự linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn cả nước và toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu tác động của dịch bệnh.

Nỗ lực vượt khó

Một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch. Không chịu bó tay trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm hướng đi phù hợp với tình hình mới. Các doanh nghiệp du lịch tập trung vào các tuyến ngắn ngày, tuyến nội ô thành phố, tổ chức các nhóm nhỏ... Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch và thương mại TST Nguyễn Minh Mẫn cho biết: "Xu hướng du khách đi du lịch theo nhóm gia đình, hoặc vài người bạn đang được nhiều người quan tâm. Ði theo nhóm nhỏ, du khách thường tìm và chọn lọc điểm ít người đến, xa trung tâm, có không gian xanh thoáng và biệt lập nhưng chất lượng dịch vụ phải cao cấp”.

Một số sản phẩm du lịch mới được nhiều người lựa chọn trong lúc dịch bệnh phức tạp như đến những nơi yên tĩnh để thiền nhằm tăng cường sức khỏe; thay vì làm việc ở nhà, mọi người có thể đến các điểm nghỉ dưỡng để hoàn thành công việc. Tổng Giám đốc Công ty du lịch TransViet Travel Hoàng Ðức Huy cho biết, đã có những DN khá nhanh nhạy khi tung ra sản phẩm du lịch "tránh dịch". Ðó cũng là xu hướng của thế giới khi các khách sạn vắng khách thì có thể kết hợp với DN lữ hành thực hiện các gói sản phẩm phù hợp hơn. Với những DN du lịch có thương hiệu như Saigontourist, Viettravel..., dù có quy mô rất lớn nhưng trong thời gian vừa qua vẫn chấp nhận tổ chức những tua nhỏ lẻ, thậm chí chỉ cho một gia đình đi tua.

Xu hướng hoạt động du lịch trong năm 2021 do Công ty Outbox Consulting (Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến) vừa công bố cho thấy, du lịch theo nhóm nhỏ được DN lữ hành khai thác nhằm thích ứng với bối cảnh hiện tại sẽ là một trong những trào lưu nổi bật của năm 2021. Các đại lý du lịch có thể cân nhắc việc thay điểm đến đông đúc bằng những địa điểm tham qua xa hơn, vắng vẻ hơn, hoặc tổ chức tua ngách như tua đi xe đạp, tua leo núi -
nơi du khách ít có khả năng tiếp xúc với người khác.

Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, yếu tố an toàn được đề cao nên các chương trình du lịch ngắn ngày theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình hoặc bạn bè quen biết, hạn chế có người lạ tham gia… sẽ được du khách quan tâm nhiều hơn. Do đó, những chương trình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chương trình du lịch tự chọn tiếp tục là xu hướng được nhiều du khách ưa chuộng trong năm nay.

Tại Hà Nội, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, Thành phố đã có chương trình hành động, xác định rõ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021, chỉ đạo các doanh nghiệp vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa nghiêm túc thực hiện các yêu cầu an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo ghi nhận tại một số doanh nghiệp, nhìn chung, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ tới thành phố Hà Nội đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Trước rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất, vừa phải đảm tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.

Ông Phạm Văn Bảy – Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, theo khái niệm về lối sống “bình thường mới”, các đơn vị du lịch lữ hành rất kỹ trong khâu xây dựng sản phẩm giai đoạn hiện nay, các tiêu chuẩn đều phải dựa trên tiêu chí an toàn chung của Tổng cục Du lịch và Bộ Y Tế từ Điểm đến du lịch an toàn; Doanh nghiệp du lịch an toàn; Dịch vụ lưu trú an toàn; Dịch vụ ăn uống, hàng hóa an toàn, Dịch vụ vận chuyển khách du lịch an toàn…

Với mục tiêu vừa duy trì hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, Vietravel đã tiến hành khai thác những loại hình tour mang tính riêng biệt để đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo đó, xu hướng du lịch cá nhân ngày càng nhiều thì du lịch bằng xe riêng càng cần thiết. Du khách sẽ có thể tự lái xe riêng hoặc Vietravel cung ứng xe riêng theo từng nhóm khách nhằm đảm bảm sự an toàn cao nhất. Du khách sẽ có những trải nghiệm vừa mang tính cá nhân nhưng vẫn vừa có tính tập thể trong hành trình vừa quen vừa lạ.

Ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế INTERSERCO (một trong những doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực logicstic của thành phố Hà Nội) cho biết, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, Công ty đã không ngừng nỗ lực, tìm kiếm các hướng đi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo sự tăng trưởng về doanh thu, ổn định thu nhập, ổn định đời sống của người lao động, tập trung vào giá trị cốt lõi là logistics, tự động hóa cao độ với công nghệ tiên tiến để phát triển mạnh mẽ hơn; kết nối hệ thống với các vành đai kinh tế; giảm thiểu chi phí logistics, gắn với thương mại điện tử để cung cấp hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Nghệ Thiên Lộc, sản phẩm của doanh nghiệp là quà tặng cho khách du lịch nước ngoài, nên khi xảy ra đại dịch COVID-19 thì doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất vì không còn vốn, hàng tồn đọng lên tới hàng tỷ đồng. Công ty đã cố gắng chuyển qua tập trung cho nhóm khách hàng nội địa.

Theo Ông Mạc Quốc Anh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội, trước tác động của dịch COVID-19 thì doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch vẫn là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, lĩnh vực này chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Mạc Quốc Anh cho biết, vừa qua khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chủ động tìm kiếm sản phẩm mới phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch, mở rộng thị tlrường bán hàng bằng hình thức như thương mại điện tử, giao thương trực tuyến, nên công nghệ số phát triển, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.

(Bài tuyên truyền “Phòng, chống dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó trong đại dịch