Hội nhập đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp. Để hội nhập thành công thì không thể thiếu sự chủ động của các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò cực kỳ quan trọng của Nhà nước.
Bên cạnh vai trò cực kỳ quan trọng của Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát huy sự sáng tạo.
Sự chủ động của doanh nghiệp
Thông tin về đàm phán TPP đang được các doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu. Tại Hội thảo Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới diễn ra ngày 18/9 tại TPHCM, chuyên gia kinh tế Bùi Văn, cũng là Giám đốc một kênh truyền hình chuyên về kinh tế - tài chính, chia sẻ là ngay cả Quốc hội các nước cũng không thể “đòi” Chính phủ báo cáo về thông tin đàm phán TPP. “Thế nhưng, các doanh nghiệp thì hoàn toàn có quyền suy đoán, với sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn. Chúng ta có thể suy đoán về TPP dựa trên “kiểu chơi” của Hoa Kỳ, người dẫn dắt TPP. Tại sao chúng ta cứ ngồi chờ Chính phủ?”, ông Bùi Văn đặt vấn đề.
Câu chuyện nói trên cho thấy để hội nhập thành công thì không thể thiếu sự chủ động của các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò cực kỳ quan trọng của Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát huy sự sáng tạo.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán hoặc ký kết tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng nhiều người mới chỉ biết đến 14. Hiệp định chưa được biết đến nhiều đang được ASEAN đàm phán với Hồng Kông (Trung Quốc). Đây đều là những FTA thế hệ mới, trong đó chất lượng cao nhất là FTA với Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.
Chia sẻ với hơn 150 đại biểu doanh nghiệp tham dự Hội thảo, ông Thành cho rằng có 3 điểm khiến các FTA này thực sự là chất lượng cao. Thứ nhất, tự do về hàng hóa, thương mại và đầu tư, theo cách tiếp cận “chọn bỏ”, tức là trừ vài lĩnh vực có hạn chế, còn lại được tự do. Thứ hai, các nước phải hài hòa hóa mọi chính sách, từ mua sắm công, đấu thầu, cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường, sở hữu trí tuệ…, không còn chuyện chơi theo luật riêng. Thứ ba là giám sát xử lý tranh chấp rất chặt chẽ.
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ cá basa lớn nhất của Việt Nam
Điều đáng mừng, theo ông Thành, là quan điểm “được kinh doanh tất cả những gì luật không cấm” vốn rất phù hợp với các FTA đã được Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa vào Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Điều thứ hai, cũng rất cần thiết nhưng khó làm hơn, là cải cách hành chính, thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gia và sắp tới sẽ có Nghị quyết về xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Cho rằng các doanh nghiệp không nên quá ngại cạnh tranh khi hội nhập, TS Võ Trí Thành nhắc lại việc doanh nghiệp Việt Nam “rất run” khi nghĩ đến chuyện đưa hàng vào Hoa Kỳ ở thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Nhưng chỉ sau 1 năm nối lại giao thương, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Và sau 15 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào đây đã tăng gấp 30 lần. Có thể giá trị gia tăng chưa cao, nhưng ông Thành cho rằng đó vẫn là một bước tiến kỳ diệu. Và quan trọng hơn, dư địa cho các doanh nghiệp của chúng ta vẫn vô cùng lớn, bởi Việt Nam mới chỉ chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu của thị trường này.
CEO Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tri thức doanh nghiệp quốc tế, nhắc tới trường hợp Vinamilk được cổ phần hóa năm 2004 với số vốn 1.500 tỷ đồng, nay phần vốn nhà nước tại công ty này được tin là có giá tới 2 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng). Công ty Kinh Đô thành lập năm 1993 với số vốn 1,4 tỷ đồng và mới đây, họ bán một phần mảng kinh doanh bánh kẹo cho một nhà đầu tư Mỹ với giá 370 triệu USD.
“Bài học rút ra là gì khi chúng ta đang đối mặt với các FTA? Tôi thấy gom lại có 2 vấn đề. Một là chiến lược kinh doanh, có người thì không nghiên cứu đầy đủ thị trường nên ra chiến lược sai, có người lại không làm theo đúng chiến lược đã đề ra. Hai, là chiến lược vốn, tôi cho rằng cần niêm yết công khai toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, huy động vốn từ các cổ đông, thay vì sử dụng vốn vay quá nhiều”, ông Đặng Đức Thành chia sẻ.
Các diễn giả đều cho rằng, để tồn tại được, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tự coi lại mình, tự thay đổi, tự vượt lên chính mình. “Khi tôi nuôi con cá basa hay khi làm cái cúc áo, TPP sẽ tác động thế nào? Không một Chính phủ nào trả lời được câu hỏi cụ thể như vậy. Ở đây cần vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, thay doanh nghiệp đi tìm thị trường, xây dựng chiến lược cho ngành”, ông Đặng Đức Thành nói.
Không thể dùng một công cụ trái pháp luật để quản lý
Bên cạnh sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp thì tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, không sinh ra các rào cản, hạn chế sự chủ động của doanh nghiệp lại là một vấn đề khác, không kém phần quan trọng.
Mới đây, qua Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, nhiều bạn đọc đã cung cấp thông tin về một số thông tư hoặc dự thảo thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh. Cụ thể, là Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; dự thảo thông tư của Bộ Công Thương quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Liên Bộ Tài chính – Công an- Xây dựng.
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ KHĐT, khẳng định các quy định nói trên trái Luật Đầu tư. Theo Luật này, các bộ ngành, địa phương không được ban hành điều kiện kinh doanh. “Từ 1/7/2015, điều kiện kinh doanh do các bộ ngành, địa phương ban hành sẽ đương nhiên không có hiệu lực thi hành. Doanh nghiệp có quyền không chấp hành các điều kiện kinh doanh như vậy. Không thể dùng một công cụ trái pháp luật để quản lý”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, những quy định như vậy làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách. Nhà nước phải giữ cam kết, giữ lời hứa. Doanh nghiệp muốn hội nhập được thì chúng ta phải thay đổi luật chơi theo đúng chuẩn mực quốc tế, nếu không, thì doanh nghiệp sẽ phải chơi theo 2 luật, một luật của ta, một luật của người.
Nhiều quy định rất vô lý, ông Cung dẫn chứng: Thông tư về kinh doanh xăng dầu của Bộ KHCN quy định, khi cột đo xăng dầu bị hỏng, doanh nghiệp phải đề nghị bằng văn bản tới đơn vị cung cấp cột đo; trong vòng 3 ngày, đơn vị đó phải đáp ứng đề nghị sửa chữa. Doanh nghiệp chỉ được chọn đơn vị sửa chữa khác nếu đơn vị cung cấp cột đo đã giải thể hoặc đơn vị đó có văn bản từ chối thực hiện với lý do chính đáng gửi tới doanh nghiệp và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (để báo cáo).
Còn dự thảo thông tư về dịch vụ đòi nợ có quy định doanh nghiệp phải đăng ký lý lịch nhân viên với công an phường.
“Giấy phép con” là chuyện không mới, nhưng rất đáng báo động trong bối cảnh đã có luật rõ ràng và chúng ta đang có cơ hội rất lớn để thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, về vai trò của quản lý nhà nước. Tôi cho rằng rất cần khôi phục niềm tin của người dân - TS Cung nhấn mạnh.