Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đưa ra tại hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Trước những ý kiến, đề xuất liên tục từ một số Hiệp hội doanh nghiệp về việc nên bỏ quy định công bố chất lượng sản phẩm với thực phẩm bao gói sẵn trong quá trình sửa đổi Nghị định 38 của Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào quy định này.
Tại hội thảo, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, ban soạn thảo đề xuất sẽ chia nhóm sản phẩm.
Với nhóm thực phẩm ít rủi ro như thực phẩm thường đã qua chế biến bao gói sẵn gồm dụng cụ, vật liệu bao gói thì doanh nghiệp tự công bố và nộp đến Sở Y tế. Trong 7 ngày tiếp nhận, nếu cơ quan quản lý không ý kiến thì doanh nghiệp được quyền sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Lo ngại doanh nghiệp thiếu khách quan khi được tự công bố chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa
Với nhóm có nguy cơ cao như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và sữa công thức trẻ em thì nhất thiết phải được quản lý chặt chẽ và công bố chất lượng trước khi lưu thông. Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe, cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ Y tế.
Thời gian thẩm xét hồ sơ của các thực phẩm này là 30 ngày. Trong trường hợp yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì sau 10 ngày làm việc kể từ khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ và trả lời bằng văn bản.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng, không phải sản phẩm nào cũng cần công bố hợp quy, tuy nhiên nếu để doanh nghiệp chịu trách nhiệm thì rất rủi ro cho người dân bởi chúng ta có thị trường lớn, ý thức của người dân về ATTP chưa cao, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP còn hạn chế.
"Doanh nghiệp luôn muốn công bố dễ dàng, cơ quan chức năng cũng vậy nhưng phải đảm bảo chặt chẽ trong quản lý, đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm, khi kiểm tra có vấn đề thì sản phẩm đã “chui vào bụng” người dân, nhất là trong điều kiện Việt Nam lực lượng thanh tra để hậu kiểm còn hạn chế", ông Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề kiểm tra ATTP, ông Cường cho biết, cơ quan quản lý sẽ bổ sung một số trường hợp được miễn kiểm tra ATTP đối với doanh nghiệp có 3 lần kiểm tra liên tiếp được đảm bảo thì sẽ không phải kiểm tra lần thứ 4.
Cũng tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất giảm thời gian xem xét cấp phép cho doanh nghiệp từ 30 ngày xuống còn 20 ngày làm việc. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nêu rõ, tinh thần của ban soạn thảo là tiếp thu và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, tuy nhiên, trước mắt ban soạn thảo vẫn bảo lưu phương án thời gian 30 ngày.