Thông tin doanh nghiệp

Doanh nghiệp đầu tư “điện sạch” gian truân thu tiền bán điện

Quốc Hưng 04/01/2024 - 17:45

Doanh nghiệp đầu tư “điện sạch” không những liên tục bị phía mua điện-Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt giảm công suất phát điện lên lưới mà còn bị EVN “tạm ngưng” thanh toán tiền điện, khiến cho nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, điện mặt trời gặp rất nhiều khó khăn, không có chi phí để vận hành nhà máy, trả lãi vay đầu tư.

a1.png
Các nhà đầu tư “điện sạch” đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính vì bị nợ tiền điện

Những ngày gần đây, một số địa phương có dự án điện mặt trời, điện gió liên tục bị “điểm danh” bởi kết luận của Thanh tra Chính phủ vì Bộ Công thương, EVN đã có thiếu xót, vi phạm trong quá trình xét duyệt bổ sung một số dự án “điện sạch” vào quy hoạch. Hiệu ứng Domino đã chạm đến nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời có đầy đủ pháp lý và đã ký hợp đồng giá FIT 20 năm với EVN.

Trong bối cảnh hiện nay, khiến doanh nghiệp đầu tư “điện sạch” rất bất an. Theo phản ánh của nhà đầu tư “điện sạch”, do phía EVN phải chờ kết luận kiểm tra, rà soát pháp lý các dự án nên tạm ngưng thanh toán tiền mua điện. Điều này khiến cho nhà đầu tư “điện sạch” gặp rất nhiều khó khăn, mà không biết kêu cứu ở đâu.

Một nhà đầu tư điện mặt trời ví von: “Trong lĩnh vực du lịch, Trekking được xem là loại hình leo núi khám phá thiên nhiên đầy thú vị, những Trekker luôn được trang bị bản đồ định hướng, định vị, được trang bị bộ sơ cứu y tế và những kỹ năng sinh tồn. Những doanh nghiệp đầu tư “điện sạch” hiện nay chẳng khác gì trekking trên những cung đường “leo núi” để nhận được tiền bán điện từ EVN nhưng đầy “chát đắng” vì không biết đường đi phía trước và không có phương tiện, vật tư cứu hộ.

Một doanh nghiệp điện mặt trời (xin được dấu tên) chia sẻ: “Năm tài chính 2023 đã kết thúc, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chỉ mới nhận được tiền bán điện của tháng 9 cho dù phải bổ sung rất nhiều hồ sơ và qua nhiều cửa thẩm định. Theo EVN, có thể tiền mua điện các tháng còn lại của năm 2023 doanh nghiệp phải chờ sang năm 2024 mới nhận thanh toán”.

Bình thường, cứ sau 2 tháng doanh nghiệp “điện sạch” sẽ nhận được tiền kỳ bán điện của tháng trước đó. Nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều bị “giam” tiền bán điện thêm từ 20 - 30 ngày, nên gặp rất nhiều khó khăn trong chi trả chi phí hoạt động, trả lương nhân viên, trả nợ vay…, nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản.

“Đánh chuột khó tránh khỏi vỡ bình”, những vụ việc về năng lượng sạch đang bị bêu tên, vô hình trung đã khiến nhiều doanh nghiệp “điện sạch” làm ăn chân chính bị vạ lây. Thế là năng lượng tái tạo bỗng trở nên mịt mờ, nhà đầu tư hoang mang và tiếp tục gặp những rắc rối không tên.

a2.jpg
Điện sạch cần chính sách để phát triển

Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sóng biển, thủy triều, điện sinh khối, địa nhiệt… là các nguồn năng lượng sạch. Sử dụng năng lượng tái tạo chính là một giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Ngành điện vốn là “xương sống” của quốc gia. Thời gian qua, nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, hướng đến mục tiêu giảm phát thải, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã thể hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về ưu đãi đầu tư phát triển năng lượng sạch. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư “điện sạch” đang vấp phải những khó khăn từ thủ tục đầu tư; chính sách giá mua bán điện, thanh toán tiền điện.,, làm cho nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này đang rất e ngại “rót” vốn đề đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp đầu tư “điện sạch” gian truân thu tiền bán điện