Năm 2022, dù được dự báo tiếp tục gặp thuận lợi cả về giá và lượng tiêu thụ nhưng nhiều doanh nghiệp cao su vẫn đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng.
Ngành cao su tiếp tục được dự báo là ngành kinh doanh thuận lợi trong năm nay. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho rằng triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán tiếp tục giữ ở mức cao. Sản lượng cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng 5,6% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, lo ngại về tình hình tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đã đặt mục tiêu lợi nhuận một cách thận trọng, dè dặt.
Cụ thể, Công ty CP Cao su Tây Ninh đặt mục tiêu kinh doanh thấp hơn so với năm ngoái. Theo đó, Công ty dự kiến sản lượng tiêu thụ đạt 8.200 tấn, giảm khoảng 3% so với năm ngoái; giá bán bình quân dự kiến ở mức 32,15 triệu đồng/tấn, thấp hơn 9,63 triệu đồng/tấn so với năm ngoái. Về con số kinh doanh, Cao su Tây Ninh dự kiến đạt 355 tỷ đồng tổng doanh thu và 75,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm gần 18% và 40% so với năm 2021.
Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk (DRI) kỳ vọng doanh thu nhích nhẹ lên mức tròn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại đi lùi khoảng 9,5% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (TNC) cũng nâng chỉ tiêu về doanh thu lên 75% nhưng lợi nhuận sau thuế hạ hơn 19% so với năm 2021. Cao su Tây Ninh cũng đề chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 75 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với năm 2020.
Song, một số doanh nghiệp cao su tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng vọt.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với kỳ vọng đạt hơn 2.250 tỷ đồng doanh thu và 744 tỷ lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Chỉ tiêu doanh thu tăng gần 16% so với năm ngoái, trong khi lợi nhuận được dự báo tăng gần 56%.
Cũng đề mức kỳ vọng cao trong năm nay, Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (Casumina - CSM) xác định tiếp tục tiết giảm chi phí sản xuất để lợi nhuận quay lại mức như trước đây với khoảng 136 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, lợi nhuận Casumina năm nay sẽ tăng với tốc độ ba chữ số, thoát khỏi mức trung bình chỉ chục tỷ đồng kéo dài từ năm 2017 đến nay.
Theo các chuyên gia, kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp có sự phân hóa chủ yếu do ảnh hưởng bởi các khoản thu tài chính từ công ty con hay hoạt động khác như thanh lý cây cao su, đền bù đất...
Dù vậy, Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, giúp Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất khẩu và giá trị thu về. Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), nhu cầu về cao su thiên nhiên sẽ tăng trong thời gian tới. Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Cũng theo dự báo của ANRPC, sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021.